Tái thiết, chỉnh trang đô thị là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Luật Thủ đô (sửa đổi), đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô.
Theo đó, thành phố Hà Nội được phân cấp, phân quyền, tạo nguồn lực tài chính để tăng tính chủ động trong việc cải tạo, chỉnh trang, phát huy những giá trị đặc biệt, riêng có của khu vực nội đô lịch sử, phù hợp với xu thế hiện đại.
Nhiều “điểm nghẽn” khi chỉnh trang đô thị
Theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg, ngày 26-7-2011), khu nội đô lịch sử được xác định giới hạn từ phía Nam sông Hồng đến đường Vành đai 2. Đây là khu vực bảo tồn di sản văn hóa Thăng Long, các giá trị truyền thống của người Hà Nội, cùng với lưu giữ, cải tạo không gian kiến trúc cảnh quan đô thị và tôn vinh văn hóa, lịch sử truyền thống của khu phố cổ, khu phố cũ, hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây… Nhiều chính sách, giải pháp đã được chính quyền các cấp ban hành để thực hiện mục tiêu này. Tuy nhiên kết quả đạt được chưa như mong đợi.
Trên thực tế, mục tiêu đưa khu nội đô lịch sử trở thành không gian đô thị đáng sống gặp nhiều trở ngại do nguồn lực hạn hẹp và sự phức tạp về sở hữu đất đai. Việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị khác còn manh mún, chưa tập trung vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật, nguồn lực xã hội. Tương tự, việc cải tạo chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô Hà Nội rất phức tạp. Làm thế nào để có thể gắn cải tạo 1.579 chung cư cũ với yêu cầu về an toàn nơi ở cho người dân, đồng bộ quy hoạch?
Chủ trương phát triển không gian ngầm tại khu vực trung tâm khu vực nội đô lịch sử hiện tại mới chỉ chú trọng đến vấn đề giao thông động, như các hệ thống tàu điện ngầm, hầm chui… Trong khi nhu cầu của phát triển ở khu vực nội đô lịch sử cần chú trọng hình thành không gian ngầm để phục vụ nhu cầu giao thông tĩnh, dịch vụ thương mại bổ trợ công cộng và bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan.
Bổ sung nhiều nội dung đặc thù để tạo đột phá
Xuất phát từ thực tế trên, bên cạnh việc kế thừa một số quy định cũ, Luật Thủ đô (sửa đổi) đã bổ sung nhiều nội dung phù hợp với đặc thù riêng, duy nhất của Thủ đô Hà Nội. Chẳng hạn, luật cho phép UBND thành phố Hà Nội được quyết định thành lập, quy định tổ chức, hoạt động của Quỹ Bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách được hình thành từ nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện, vốn ủy thác của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn tài chính hợp pháp khác. Nguồn lực này hỗ trợ cho chương trình, dự án, hoạt động phi dự án thực hiện cải tạo, chỉnh trang đô thị gắn với bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của khu vực nội đô lịch sử; tu bổ, phục hồi công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn thành phố.
Triển khai theo phương án này sẽ góp phần giảm gánh nặng cho nguồn ngân sách thành phố trong thực hiện đầu tư cải tạo, chỉnh trang và tái thiết khu vực nội đô lịch sử và là cơ sở pháp lý để thành phố kêu gọi các nguồn xã hội hóa phục vụ công tác này.
Trường hợp cấp bách cần cải tạo, chỉnh trang đô thị mà không lựa chọn được nhà đầu tư trong một số trường hợp cụ thể, Luật Thủ đô (sửa đổi) cho phép UBND thành phố được thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Số tiền thu được từ đấu giá quyền sử dụng đất lớn hơn số tiền chi cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được tiếp tục phân chia và chi trả cho các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất bị thu hồi đất.
Luật cũng cho phép các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất tại khu vực đô thị có quyền tự đề xuất thực hiện dự án cải tạo, chỉnh trang khi được toàn bộ số chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất nằm trong ranh giới dự án đề xuất cải tạo, chỉnh trang đồng thuận góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai. Khi các chủ sở hữu nhà, người sử dụng đất góp quyền sử dụng đất để mở rộng quỹ đất sử dụng vào mục đích công cộng không nhằm mục đích kinh doanh phục vụ cải tạo, chỉnh trang đô thị và không tự lựa chọn chủ đầu tư thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện vai trò chủ đầu tư dự án.
Theo luật sư Nguyễn Hưng Quang, Phó Chủ tịch Hội Luật quốc tế Việt Nam, cùng với các điểm mới, đột phá nêu trên, Luật Thủ đô (sửa đổi) còn có các quy định khác tạo điều kiện thuận lợi cho công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, như Điều 19 về “Quản lý, sử dụng không gian ngầm”, Điều 21 về “Phát triển văn hóa, thể thao, du lịch”, Điều 29 “Phát triển nhà ở”, Điều 30 “Phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông”, Điều 31 “Phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng”… “Những quy định này bổ trợ lẫn nhau, tạo ra tính liên kết hệ thống, gắn kết, bao trùm trong việc cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, mang lại cho đời sống đô thị Hà Nội vừa có tính truyền thống, vừa đậm nét văn hóa riêng biệt”, ông Nguyễn Hưng Quang nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.