Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng sức hấp dẫn đầu tư

Thế Văn| 16/02/2022 06:12

(HNM) - Để thích ứng với những diễn biến khó lường của các loại hình thời tiết cực đoan và đại dịch Covid-19 cũng như tận dụng cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các nền kinh tế, cộng đồng cư dân đã, đang chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy và hành động hướng tới những giá trị xanh trên nền tảng phát triển bền vững.

Là một quốc gia nông nghiệp, Việt Nam đã chủ động chuyển đổi mô hình tăng trưởng, thúc đẩy phát triển nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh… Những vùng sản xuất hàng hóa ứng dụng công nghệ cao, có khả năng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ; những chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất, chế biến, kinh doanh nông sản xuất hiện ngày càng nhiều… tạo giá trị gia tăng trên từng đơn vị diện tích đất và xây dựng nền tảng mới cho một nền nông nghiệp hiện đại.

Tuy nhiên, có thể thẳng thắn nhìn nhận, nông nghiệp Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung vẫn còn nhiều "điểm nghẽn"… Đó là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; hạ tầng cơ sở thiếu đồng bộ; nông dân “chạy” theo lợi ích trước mắt, không theo tín hiệu thị trường… Các chính sách về tích tụ ruộng đất, thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển công nghiệp chế biến… còn nhiều hạn chế; cơ chế hợp tác liên kết còn lỏng lẻo; lực “hấp dẫn” các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp còn yếu…

Để bắt kịp và thích ứng với những chuyển động cũng như xu thế phát triển của thị trường toàn cầu hóa; đồng thời hướng tới một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, yếu tố tiên quyết là đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Do vậy, trước hết và quan trọng nhất là xây dựng một chiến lược phát triển dài hạn, giải quyết triệt để những vấn đề nội tại.

Thời gian tới, cùng với việc đồng bộ hóa các chính sách tích tụ ruộng đất, phát triển vùng nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến, Hà Nội và các địa phương cần tạo cơ chế mang tính động lực để liên kết các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý với doanh nghiệp, hợp tác xã, người nông dân trong việc thúc đẩy ứng dụng công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ 4.0 vào quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cũng như hình thành mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp thông minh… Qua đó, hướng tới một nền nông nghiệp có khả năng thích ứng cao, phát triển bền vững.

Cùng với đó là đổi mới giải pháp hỗ trợ các mô hình hợp tác phát triển theo chuỗi giá trị thông qua các hoạt động: Xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, kết nối thị trường, phát triển thương mại điện tử…; đồng thời tạo cơ chế khuyến khích các trang trại, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất có chứng nhận, ứng dụng công nghệ cao… Mặt khác là thúc đẩy liên kết giữa nông dân, hợp tác xã với doanh nghiệp chế biến, kinh doanh, xuất khẩu… Việc này không chỉ nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp mà còn góp phần tạo dựng nền tảng sản xuất quy mô lớn. Từ đó từng bước khắc phục nhược điểm cố hữu của nông nghiệp nước nhà là sản xuất nông hộ nhỏ lẻ, manh mún.

Nhiệm vụ mang tính then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp là thu hút đầu tư, đổi mới mạnh mẽ cơ chế chính sách, tạo môi trường thông thoáng. Mục tiêu không chỉ có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ tham gia dẫn dắt tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp mà còn thu hút những doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sáng tạo, khởi nghiệp… tạo ra một hệ sinh thái hấp dẫn với nhiều phân khúc thị trường.

Nhận thức, tư duy và các giải pháp mới sẽ tạo động lực mới để xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, bắt kịp với xu thế toàn cầu hóa và phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng sức hấp dẫn đầu tư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.