Chính trị

Phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí

Bảo Hân (lược ghi) 29/11/2023 17:02

Góp ý kiến vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 27-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV, đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) thể hiện sự nhất trí cao với những nội dung phân cấp, phân quyền.

khuong-thi-mai.jpeg
Đại biểu Khương Thị Mai (Đoàn Nam Định) góp ý kiến hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi).

Cụ thể, dự thảo Luật quy định: “Phân cấp cho HĐND thành phố được quyết định chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa đến 500ha và đất rừng trồng hộ đến 1.000ha trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”.

Đại biểu nêu, nội dung này theo Tờ trình số 512-TTr-CP của Chính phủ, cũng như theo Khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai, khi chuyển mục đích sử dụng đất trên 10ha đất trồng lúa và 20ha đất rừng phòng hộ phải xin ý kiến và có văn bản của Thủ tướng Chính phủ.

Quy trình này cũng thể hiện trong luật, quy định 7 bước và thời gian thực hiện là 55 ngày làm việc của địa phương và bộ, ngành. Thời gian này chưa kể thời gian trình Thủ tướng phê duyệt theo quy chế làm việc của Chính phủ.

Nếu phân cấp cho HĐND các tỉnh, thành phố, quy trình này chỉ được thực hiện với 5 bước và thời gian là 45 ngày. “Tiết kiệm thời gian cũng chính là tiết kiệm kinh phí và sử dụng tối đa nguồn kinh phí của đất nước”, đại biểu khẳng định.

Tiết kiệm thời gian cũng chính là tiết kiệm kinh phí và sử dụng tối đa nguồn kinh phí của đất nước.

Đại biểu Quốc hội Khương Thị Mai

Về bổ sung thẩm quyền cho Thường trực HĐND quyết định các biện pháp giải quyết các công việc đột xuất và quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C, đại biểu đề nghị nội dung và hỗ trợ địa phương khác trong các trường hợp cần thiết cần phải quy định rõ những nguyên tắc đặc biệt, tạo sự linh hoạt cho HĐND thành phố.

Đại biểu cũng thể hiện sự đồng tình về phát triển nhà ở xã hội quy định tại Điều 31 của dự thảo Luật. Về quy định này, dự thảo Luật quy định nhiệm vụ quy hoạch chi tiết được lập đồng thời với đồ án quy hoạch chi tiết; việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư có liên quan đến nhiệm vụ quy hoạch thực hiện đồng thời cùng một thời điểm với việc lập đề án quy hoạch chi tiết.

Đây là nội dung rất quan trọng, giúp rút ngắn thời gian triển khai thực hiện. Nếu 2 nội dung lấy ý kiến cộng đồng trong thời gian lập nhiệm vụ quy hoạch và lập đồ án quy hoạch chi tiết thì tiết kiệm 40 ngày trong thời gian lấy ý kiến, chưa kể thời gian xin ý kiến các sở, ngành liên quan.

dbqh.jpeg
Các đại biểu Quốc hội tại hội trường trong sáng 27-11.

Về thẩm quyền quyết định đầu tư theo Điều 43, đại biểu đồng tình phân quyền cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư với các dự án đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ.

Việc quản lý, sử dụng đất tại Điều 30: "Giao cho UBND thành phố xây dựng trình HĐND thông qua và ban hành hệ số điều chỉnh giá đất trong các trường hợp Nhà nước cho thuê đất trả tiền hằng năm đối với các tổ chức, cá nhân". Theo đại biểu, quy định này giúp khắc phục hiện tượng thực tế, đảm bảo việc định giá đất công khai, tránh khiếu kiện.

Đại biểu cũng thể hiện sự đồng tình cao với việc cho phép sử dụng chi nguồn thường xuyên của cơ quan để cải tạo, nâng cấp các hạng mục chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Nội dung này rất quan trọng, vì một cơ quan có những hạng mục cần phải sửa chữa, ví dụ như sửa chữa thang máy, cũng phải có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đây là vướng mắc không riêng của Hà Nội mà của tất cả các tỉnh.

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật, đại biểu góp ý về quy định liên kết vùng tại Khoản 3 Điều 46. Thủ đô Hà Nội là động lực thúc đẩy phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng. Hiện nay các địa phương đang thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính. Vì vậy, theo đại biểu không nên quy định quá chi tiết cụ thể từng tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô mà chỉ nên đưa ra tiêu chí chọn căn cứ vào địa lý, không gian phát triển liên quan đến an ninh, quốc phòng.

“Hiện nay có trên 100 quốc gia đầu tư vào vùng Thủ đô. Sau khi đầu tư các dự án trọng điểm có tính chất liên kết vùng Thủ đô, đối với các tuyến đường Vành đai 4, Vành đai 5, tôi đề nghị quy định cụ thể việc sử dụng hiệu quả nguồn lực của các vùng phụ cận của các tuyến đường Vành đai 3, Vành đai 4, Vành đai 5 như di chuyển các trường đại học, các cơ sở y tế ra các vùng phụ cận để bảo đảm quy định”, đại biểu Khương Thị Mai nêu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phân cấp, phân quyền để rút ngắn thời gian, tiết kiệm kinh phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.