Đô thị

Tăng phân cấp về công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc tại Hà Nội

Bảo Hân 12/01/2024 - 19:39

Quy định mới về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn thành phố Hà Nội nâng mức độ phân cấp cũng như vai trò, trách nhiệm và năng lực của chính quyền địa phương.

Chiều 12-1, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội tổ chức Hội nghị phổ biến một số nội dung Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ban hành Quy định một số nội dung về quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng và kiến trúc trên địa bàn tới lãnh đạo quản lý, cán bộ chuyên môn các sở, ngành, quận, huyện, thị xã, Ban Quản lý Khu công nghiệp và Khu chế xuất Hà Nội, Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

hoi-nghi-hd.jpeg
Quang cảnh hội nghị.

Thông tin về việc phủ kín quy hoạch xây dựng trên địa bàn thành phố, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Hà Nội đã hoàn thành phê duyệt 35/35 đồ án quy hoạch phân khu đô thị trung tâm với tổng diện tích khoảng 62.261,75ha. Ngoài ra, thành phố cũng đã hoàn thành phê duyệt 14/14 nhiệm vụ Quy hoạch chung huyện, thị xã với tổng diện tích khoảng 258.456,1ha.

Sau khi quy hoạch chung đô thị vệ tinh được duyệt (5/5 đồ án - đạt 100%), UBND thành phố đã chỉ đạo tổ chức lập và hiện đã hoàn thành thẩm định thêm khoảng 17 đồ án, dự kiến sẽ được phê duyệt trong khoảng đầu năm 2024, nâng tỷ lệ phê duyệt 22/31 quy hoạch phân khu; hiện còn 8 quy hoạch cần phê duyệt.

Giai đoạn 2011-2023, thành phố đã phê duyệt khoảng 240 đồ án với tổng diện tích 15.342,6ha (trong đó, bao gồm 172 quy hoạch chi tiết, thiết kế đô thị riêng lập mới với tổng diện tích 11.245,9ha và 68 đồ án điều chỉnh tổng thể với tổng diện tích 4.096,7ha).

Liên quan đến công tác quy hoạch, kiến trúc trên địa bàn thành phố, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Bá Nguyên cho biết, trước đây UBND thành phố đã ban hành các quyết định liên quan. Sau thời gian hơn 10 năm thực hiện, theo phản ánh từ các địa phương, còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện.

Do đó, thành phố đã ban hành Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND ngày 29-12-2023 thay thế các quyết định trước đây với nhiều điểm mới. Trong đó nổi bật là những quy định việc phân cấp, phân quyền cho các quận, huyện trong thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ, đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng vùng liên huyện, quy hoạch xây dựng vùng huyện, quy hoạch xây dựng khu chức năng, thiết kế đô thị, cắm mốc giới; lập, thẩm định, phê duyệt, ban hành danh mục các công trình kiến trúc có giá trị, quy chế quản lý kiến trúc; quản lý và tổ chức thực hiện theo quy hoạch…

Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Phạm Quốc Tuyến cũng cho biết, tại Quyết định số 38/2023/QĐ-UBND, các vấn đề đặt ra không mới, các đầu việc không tăng nhiều nhưng diện phân cấp và mức độ, yêu cầu quản lý tăng lên. Các quy định về xây dựng quy chế quản lý, phương án kiến trúc, danh mục các công trình có giá trị… được quy định cụ thể, rõ hơn cùng với yêu cầu quản lý cao hơn.

Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc tiếp tục nhìn nhận, yêu cầu này đòi hỏi nâng cao năng lực quản lý của chính quyền địa phương, đặc biệt ở nội dung quản lý đô thị, giúp lãnh đạo thẩm định, phê duyệt. Do đó, để thực hiện tốt việc phân cấp quản lý theo Quyết định 38/2023/QĐ-UBND, đòi hỏi tăng cường năng lực cán bộ và hoàn thiện các đồ án quy hoạch và quy định quản lý kèm theo. Làm tốt hai nội dung này, khối lượng công việc và hiệu quả sẽ bảo đảm theo đúng yêu cầu quy định đưa ra về phân cấp, nâng cao hiệu quả quản lý quy hoạch kiến trúc tại địa phương.

Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Hà Nội đang phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ với khoảng 800 thủ tục cho các địa phương.

Thực hiện Kế hoạch số 188-KH/TU ngày 6-11-2023 của Ban Thường vụ Thành ủy về luân chuyển, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ các ban, sở, ngành và các quận, huyện, thị xã, cấp ủy trực thuộc Thành ủy giai đoạn 2024-2025, Sở sẽ tiếp nhận cán bộ, công chức, viên chức phòng đô thị các quận, huyện, thị xã để giải quyết công việc của địa phương tại Sở.

“Sở đang đề xuất phương án biệt phái ngắn hạn từ 3 đến 6 tháng để bảo đảm được số lượng, nguồn lực cán bộ và cả các công việc chuyên môn mà cán bộ đang đảm nhận. Các trường hợp này sẽ làm việc tại Sở, giải quyết các vấn đề tại địa phương và được hướng dẫn trực tiếp. Cách làm này sẽ mang lại hiệu quả, tiết kiệm thời gian. Sở sẽ bắt đầu tiếp nhận ngay trong quý I-2024”, ông Nguyễn Trọng Kỳ Anh nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng phân cấp về công tác quản lý quy hoạch, kiến trúc tại Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.