Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng liên thông, rõ trách nhiệm

Minh Thúy| 15/03/2018 06:38

(HNM) - Đất nước liên tục trải qua các cuộc chiến tranh với nhiều hy sinh, mất mát trong thế kỷ XX, nên Đảng, Nhà nước ta đã luôn rất quan tâm, dành nguồn lực thực hiện chính sách “đền ơn đáp nghĩa”.


Tuy không bù đắp được hết những gì người có công đã hy sinh, mất mát, nhưng cũng phần nào động viên, hỗ trợ để họ có cuộc sống tốt hơn.

Dẫu vậy, trong quá trình thực hiện, có lúc, có nơi vẫn còn vướng mắc. Không chỉ là việc giải quyết các hồ sơ còn tồn đọng mà cả những thủ tục hành chính thường ngày liên quan đến đối tượng này cũng chưa hoàn toàn thuận lợi. Một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng trên là việc giải quyết thủ tục trong lĩnh vực này khá phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, thì rất khó thông suốt.

Là địa phương có gần 10% số người có công so với cả nước nên những công việc, thủ tục hành chính liên quan đến người có công với Hà Nội không hề nhỏ. Từ giải quyết các hồ sơ người có công còn tồn đọng, đến việc xác nhận, thẩm định hồ sơ, các chế độ ưu đãi… đều là những việc cấp thiết, cần phải giải quyết ngay…

Trên thực tế, việc thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực người có công thường bắt đầu và liên quan đến nhiều phần việc từ cơ sở. Tuy nhiên, cán bộ làm công tác chính sách cấp xã, phường phần lớn kiêm nhiệm nhiều việc, trong khi trình độ chuyên môn hạn chế, vị trí công tác không ổn định nên việc theo dõi, nắm bắt các văn bản pháp luật chưa đầy đủ, thiếu tính hệ thống.

Do vậy, đội ngũ này cần được thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, đạo đức công vụ. Bên cạnh đó, vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng cần được xác định rõ, trong đó, cấp ủy, UBND các cấp phải quan tâm, sát sao và kịp thời nắm bắt những vướng mắc để có kiến nghị, đề xuất sát thực tiễn nhằm tháo gỡ những bất hợp lý đang tồn tại.

Số hồ sơ người có công còn tồn đọng trong thời gian qua cho thấy, việc hoàn thiện các thủ tục hành chính không dễ dàng. Do đó, ngay từ khi tiếp nhận, các cấp, đơn vị liên quan phải tăng cường kiểm tra, rà soát hồ sơ theo đúng quy định, hướng dẫn. Mặt khác, các cơ quan chức năng, đặc biệt ở cấp bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, khắc phục, sửa đổi những quy định đã lạc hậu để phù hợp với tình hình mới. Cùng với đó, cần đẩy mạnh hoạt động áp dụng công nghệ thông tin vào lưu trữ hồ sơ, đồng thời bảo đảm sự liên thông giữa các cấp, ngành liên quan để tiện việc tra cứu và ứng dụng trong công tác quản lý nhà nước...

Những năm qua, quy trình về hoàn thiện hồ sơ, thủ tục lĩnh vực người có công ngày càng được quy định cụ thể, song để sự khớp nối giữa các cơ quan, đơn vị được trơn tru, đạt kết quả thì cần có sự liên thông giữa các cấp, các ngành và sự liên thông đó phải phân định rõ trách nhiệm. Đây cũng là nhiệm vụ được UBND TP Hà Nội đặt ra tại Kế hoạch 54/KH-UBND ngày 2-3-2018 về khắc phục những tồn tại, hạn chế, nâng cao hiệu quả phối hợp liên thông trong việc giải quyết các thủ tục hành chính lĩnh vực người có công trên địa bàn thành phố.

Theo đó, quy chế phối hợp yêu cầu phải rõ trách nhiệm của từng đơn vị, trong từng khâu, từ khi tiếp nhận đến khi trả kết quả cũng như quy định cụ thể về thời gian luân chuyển hồ sơ giữa các cấp. Khi phần việc trong mỗi khâu được phân định rõ về thời gian, về trách nhiệm thì sự liên thông nhất định sẽ mang lại hiệu quả hơn.

Liên thông, rõ quy trình, rõ trách nhiệm chính là giải pháp thiết thực, vừa tiết kiệm chi phí, vừa góp phần thực hiện tốt hơn chính sách ưu đãi người có công.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng liên thông, rõ trách nhiệm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.