(HNM) - Thời gian qua Bộ Khoa học và Công nghệ đã tạo thêm một nhịp cầu đó là hệ thống cơ sở dữ liệu cung - cầu công nghệ.
Ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất tại Công ty Dệt kim Đông Xuân. Ảnh: Viết Thành |
Tạo cơ sở dữ liệu cung - cầu công nghệ
Thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN) đã đẩy mạnh việc xây dựng các định chế trung gian giữa doanh nghiệp và nhà khoa học như sàn giao dịch công nghệ tại các thành phố lớn. Đặc biệt, hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ (TechDemo) diễn ra tháng 11 vừa qua, do Bộ KH-CN chủ trì là hoạt động nhằm tăng cường liên kết “ba nhà” gồm doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà quản lý thông qua việc thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao và đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp. Tại TechDemo, các công nghệ tham gia trình diễn, giới thiệu là loại đã được đánh giá, lựa chọn và sẵn sàng chuyển giao để đáp ứng nhu cầu về công nghệ phục vụ phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm thế mạnh của các địa phương, phù hợp với nhu cầu về công nghệ mới của các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố.
Có thể thấy, nhằm đưa hoạt động chuyển giao công nghệ có hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững thị trường KH-CN ở Việt Nam, việc tạo lập cơ sở dữ liệu cung - cầu công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng. Trong vòng 2 năm qua, để thực hiện điều đó, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với nhiều đơn vị như Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, Viện Hàn lâm KH-CN Việt Nam, Sở KH-CN các thành phố lớn. Các đầu mối này đã cung cấp thông tin của trên 200 nguồn cung công nghệ, 500 chuyên gia công nghệ để cập nhật cơ sở dữ liệu.
Ngoài ra, Cục cũng đã hợp tác với các tổ chức chuyển giao công nghệ nước ngoài như Tổ chức chuyển giao công nghệ Israel, cơ quan Sở hữu trí tuệ Singapore, Tổ chức chuyển giao công nghệ Innoget, Viện KIAT Hàn Quốc, Công ty MITO (Italia)... để khai thác các công nghệ phù hợp với Việt Nam. Đến nay, hơn 100 công nghệ tiên tiến từ các tổ chức nói trên đang được khai thác và 200 công nghệ đang được chuyển ngữ, cập nhật.
Ông Tạ Việt Dũng, Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết, hiện nay, cơ sở dữ liệu đã có 1.828 nguồn cung công nghệ, 510 hồ sơ chuyên gia công nghệ, trong đó, số nguồn cung công nghệ nước ngoài là 230, bao gồm công nghệ của Hàn Quốc, Mỹ, Israel. Để quản lý cơ sở dữ liệu công nghệ (bao gồm các thông tin chung của doanh nghiệp, thông tin hiện trạng công nghệ, nhu cầu công nghệ, nguồn cung công nghệ và chuyên gia công nghệ), Cục đã xây dựng và hoàn chỉnh phần mềm quản lý dữ liệu với các chức năng thống kê theo địa phương, ngành, lĩnh vực đối với doanh nghiệp, nguồn cung, nhu cầu công nghệ; chức năng tự động cập nhật cơ sở dữ liệu, thống nhất quản lý theo doanh nghiệp (theo mã số thuế) và theo viện, trường (mã định danh) đối với nguồn cung công nghệ và nhu cầu công nghệ.
Giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết
Đề cập về kết nối cung - cầu công nghệ, ông Tạ Việt Dũng cho biết, hoạt động điều tra, khảo sát đã xác định được 300 loại nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp thuộc các nhóm ngành, lĩnh vực khác nhau. Dựa trên nguồn cung công nghệ trong và ngoài nước đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu công nghệ, các chuyên gia đã đánh giá, lựa chọn và xây dựng cẩm nang công nghệ giới thiệu hơn 500 quy trình, công nghệ, thiết bị, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, tổ chức KH-CN, Sở KH-CN các tỉnh, thành phố, các nhà sáng chế không chuyên.
Từ việc xác định được nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ đã hỗ trợ các doanh nghiệp kết nối cung - cầu trao đổi, thống nhất, xác định được các hợp đồng hợp tác chuyển giao công nghệ, biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác. Tiêu biểu là việc Công ty cổ phần Thanh Hà nhận chuyển giao, ứng dụng thành công kết quả từ một nhiệm vụ KH-CN trọng điểm cấp Nhà nước để sản xuất chế phẩm sinh học AH1, AH2 giúp tái canh cây cà phê và phục hồi các cây công nghiệp dài ngày bị lão hóa. Kết quả cho thấy, mức đầu tư tái canh cây cà phê ở Tây Nguyên đã giảm xuống 15 triệu đồng/ha. Với nhu cầu tái canh của các tỉnh Tây Nguyên vào khoảng 20.000ha/năm, việc triển khai ứng dụng hiệu quả sẽ giúp tiết kiệm khoảng 300 tỷ đồng/năm.
Một ví dụ khác là Công ty cổ phần Công nghệ môi trường TĐA với việc nghiên cứu và sản xuất các sản phẩm ứng phó sự cố tràn dầu ở các quy mô khác nhau, phù hợp với điều kiện triển khai ở Việt Nam. Hiện nay, sản phẩm của công ty có giá thấp hơn của Trung Quốc và có chất lượng tốt hơn, đã được triển khai ứng dụng ở nhiều nơi trong nước như Quảng Ninh, Hải Phòng, Bình Định, Cần Thơ…, được khách hàng đánh giá cao và doanh thu từ sản phẩm ứng phó sự cố tràn dầu chiếm 60% doanh thu của công ty.
Những kết quả đạt được cho thấy hoạt động trình diễn và kết nối cung - cầu công nghệ đã có những tác động tích cực đến từng đối tượng cụ thể, góp phần giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết trong sản xuất và đời sống. Điều này cũng cho thấy hiệu quả của mô hình kết hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về KH-CN ở trung ương và địa phương với nhà nghiên cứu khoa học và doanh nghiệp, thông qua nguồn kinh phí xã hội hóa. Trong thời gian tới, mô hình này cần tiếp tục nhân rộng ra các địa phương trong cả nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.