(HNM) - Hơn 4.500 tỷ đồng là số tiền thuế xử lý tăng thu qua thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp (DN) những tháng đầu năm 2015.
Trong khi đó, tính đến cuối tháng 7-2015, ngành thuế đã cắt giảm 420/537 giờ kê khai, nộp thuế nhằm tạo thuận lợi cho DN. Thách thức lớn với ngành thuế hiện nay là phải làm sao để vừa có thể đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) thuế, vừa thu đúng, thu đủ tiền thuế cho ngân sách nhà nước (NSNN).
Giảm lỗ qua thanh tra, kiểm tra
Với nhiệm vụ thu NSNN cả năm 2015 là 731.600 tỷ đồng, công tác thanh, kiểm tra chống thất thu NSNN luôn được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành thuế. Tính từ đầu năm đến nay, toàn ngành đã thanh, kiểm tra đối với 29.034 DN. Số thuế xử lý tăng thu qua thanh, kiểm tra là hơn 4.500 tỷ đồng. Ngành thuế đã ra quyết định giảm khấu trừ 455,4 tỷ đồng, giảm lỗ gần 7.900 tỷ đồng. Riêng về công tác thanh tra, kiểm tra chống chuyển giá, qua thực hiện đối với 513 DN báo lỗ, DN có dấu hiệu chuyển giá và DN có hoạt động giao dịch liên kết, cơ quan thuế đã ra quyết định giảm lỗ 1.171 tỷ đồng, truy thu, truy hoàn và phạt hơn 170 tỷ đồng, giảm khấu trừ 138,5 tỷ đồng...
Liên quan đến những vụ vi phạm pháp luật thuế, một cán bộ lâu năm trong lĩnh vực thanh tra thuế cho biết, việc đấu tranh, làm rõ những hành vi sai phạm trong lĩnh vực thuế không đơn giản. Đơn cử vụ án sử dụng trái phép hóa đơn và gian lận hàng chục tỷ đồng tiền thuế tại tỉnh Lâm Đồng mà ngành thuế đang đấu tranh làm rõ sai phạm cho thấy, một lượng lớn tiền thuế của NSNN đã bị các đối tượng sử dụng những chiêu thức tinh vi để chiếm đoạt. Nhưng, để làm rõ những hành vi sai phạm và thu hồi toàn bộ số thuế bị gian lận là không dễ khi các đối tượng muốn gian lận đã tính toán cặn kẽ từng đường đi, nước bước để chiếm đoạt tiền thuế.
Hướng dẫn khách hàng cách thức nộp thuế điện tử tại Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng. Ảnh: Hải Anh |
Như vậy, ngoài chức năng quản lý, hỗ trợ DN thực hiện nghĩa vụ thuế, để hoàn thành nhiệm vụ được giao đòi hỏi mỗi cán bộ thuế phải nắm vững kiến thức pháp luật, có khả năng khái quát các vụ việc có dấu hiệu vi phạm thì từ đó mới có thể đưa ra ánh sáng những vụ gian lận thuế quy mô lớn. Đây là một yêu cầu bức thiết, bởi hiện nay, kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với thế giới. Sự thông thoáng minh bạch của môi trường kinh doanh, đầu tư cũng sẽ tạo ra những kẽ hở giúp các đối tượng vi phạm thực hiện những hành vi sai phạm.
Thanh tra những đối tượng có độ rủi ro cao
Trong khi các vụ án liên quan đến vi phạm pháp luật thuế có chiều hướng tăng cả về số lượng và mức độ sai phạm thì ngành thuế cũng đang triển khai mạnh việc cải cách, hiện đại hóa TTHC thuế. Tại buổi họp báo diễn ra mới đây, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó ban Cải cách hiện đại hóa (Tổng cục Thuế) đã thông báo kết quả thực hiện cắt giảm TTHC thuế. Tính đến nay, đã có 98% DN thuộc diện quản lý thuế thực hiện khai thuế qua mạng. Ngành thuế cũng đã ký kết thỏa thuận với 27 ngân hàng thương mại để triển khai nộp thuế điện tử tại 63 địa phương trên cả nước với 301.993 DN tham gia. Ngành thuế cũng đã giảm được 420/537 giờ nộp thuế của DN, đạt chỉ tiêu giảm số giờ nộp thuế xuống mức 121,5 giờ theo mục tiêu của Chính phủ.
Như vậy, TTHC thuế hiện tại hầu như đã được điện tử hóa, người nộp thuế được quyền tự kê khai và chịu trách nhiệm trước pháp luật về báo cáo thuế của mình. Cùng với sự thông thoáng về thủ tục, áp lực thu đúng, thu đủ tiền thuế vào NSNN của ngành thuế chắc chắn sẽ lớn hơn trước đây.
Trong những tháng còn lại của năm 2015, ngành thuế đã lập kế hoạch bảo đảm số DN được thanh, kiểm tra đạt tỷ lệ 15% số DN đang hoạt động. Bên cạnh đó, cơ quan thuế các cấp sẽ triển khai nghiêm quy chế xử lý thông tin với các tổ chức, cá nhân có giao dịch đáng ngờ để đúc kết phương thức, thủ đoạn, hành vi vi phạm liên quan đến thuế, phương pháp kiểm tra phát hiện và phổ biến nhân rộng toàn ngành. Với các vụ việc có tính chất vi phạm nghiêm trọng đã được phát hiện hoặc phối hợp với cơ quan công an điều tra, khởi tố..., ngành thuế sẽ công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm răn đe và ngăn chặn các hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Trả lời câu hỏi của Báo Hànộimới về việc ngành thuế sẽ triển khai công tác chống thất thu NSNN như thế nào trong bối cảnh phải cắt giảm mạnh mẽ TTHC thuế nhằm tạo thuận lợi tối đa cho DN và lực lượng công chức thuế còn quá mỏng so với số lượng DN đang hoạt động hiện nay, bà Hoàng Thị Lan Anh cho biết, tới đây ngành thuế sẽ áp dụng biện pháp quản lý rủi ro. Ngành sẽ rà soát và phân loại DN theo tiêu chí cụ thể để tìm ra những đối tượng có độ rủi ro cao. Từ danh sách này, ngành sẽ tập trung nguồn lực để thanh, kiểm tra, chống thất thu NSNN. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.