(HNM) - Ngày 13-4, Trung tâm Truyền hình cáp SATECOM - Trung tâm Kỹ thuật truyền hình cáp Việt Nam đã gửi thông báo đến các thuê bao về việc điều chỉnh phí thuê bao dịch vụ Truyền hình cáp Việt Nam VCTV tại khu vực Hà Nội.
Theo thông báo này, kể từ ngày 1-5-2011, đơn giá thuê bao hằng tháng dịch vụ VCTV đối với ti vi thứ nhất là 88 nghìn đồng (trước đó là 65 nghìn đồng), phí thuê bao với ti vi thứ hai và thứ ba là 25 nghìn đồng/ti vi/tháng.
Sau khi có thông báo trên, phản ứng của người sử dụng dịch vụ VCTV khá khác nhau. Có ý kiến cho rằng việc VCTV chọn ngày 1-5, cũng là ngày thực hiện mức lương tối thiểu mới (cao hơn trước 12,7%), để tăng phí thuê bao khoảng 30% đã khiến người tiêu dùng, đặc biệt là người nghèo, cán bộ hưu trí gặp khó. Nhưng cũng có nhiều người nhìn nhận việc tăng phí trong thời buổi giá cả nói chung có sự biến động lớn như hiện nay là điều có thể hiểu và thông cảm được. Hơn nữa, VCTV không phải là nơi duy nhất tăng phí thuê bao mà vào năm ngoái, một đơn vị truyền hình trả tiền (THTT) khác ở phía Nam cũng đã tăng phí (cũng là 88 nghìn đồng/tháng).
Tuy thế, có một điều mà người sử dụng dịch vụ VCTV nói riêng và THTT nói chung quan tâm hơn cả, là giá tăng nhưng chất lượng dịch vụ có tăng?
Đó là một câu hỏi chính đáng bởi lâu nay đã có quá nhiều lời phàn nàn về chất lượng dịch vụ THTT, điều mà người ta nhận xét rằng "vàng thau lẫn lộn" và sự độc quyền đã làm cho người dân không có cơ hội để lựa chọn thụ hưởng thứ dịch vụ tốt và phù hợp nhất. Nhận định nói trên dẫn đến một câu hỏi khác, là Việt Nam hiện có nhiều đơn vị kinh doanh dịch vụ THTT, sao có thể tồn tại khái niệm độc quyền trong lĩnh vực này?
Đó đã là một nghịch lý có thật. Về mặt hình thức, như ở khu vực Hà Nội, ít nhất người Thủ đô có thể thoải mái lựa chọn một trong hai dịch vụ THTT mạng cáp quan trọng và phổ biến nhất, là VCTV và TH cáp Hà Nội. Hình thức là thế, nhưng trong thực tế ở nhiều khu vực, người ta không thể cho mình cái quyền "tần ngần" giữa A và B, bởi đơn giản là ở nơi đó, hoặc là "đất" của A, hoặc là của B chứ không có chuyện chung chạ. Điều này đặc biệt rõ ở nhiều khu chung cư, những nơi mà chỉ A hoặc B giành được quyền cung cấp dịch vụ, muốn thay đổi nhà cung cấp dịch vụ TH cáp là không thể. Độc quyền là thế, và cũng bởi vậy mà chất lượng là thứ không thể đem ra bàn bởi có bàn, có ý kiến thì cũng không thay đổi được gì. Hoặc tắt ti vi hoặc chấp nhận cho gì hưởng nấy. Cái ưu thế "tuyệt đối" ấy khiến nhà cung cấp dịch vụ bình chân như vại, nói thì hay nhưng chẳng coi khách hàng ra gì. "Mất" cáp cả ngày, cộng lại cả tháng vài ngày thì phí thuê bao vẫn phải nộp đủ. Một kênh TH nước ngoài mới được "bắn" phụ đề tiếng Việt vào "giờ vàng", nhịp độ hiện - mất nhanh như… ma đuổi. Hình ảnh nhòe nhoẹt sau mỗi mùa mưa, mạng truyền dẫn trục trặc… thì cũng chừng ấy tiền, đến hẹn là thu. Khách hàng của VCTV đau nhất là cái vụ mạng cáp này chấp nhận bóng đá ngoại hạng Anh tối chủ nhật vào tay K+ nhẹ như không. "Thượng đế" là thế ư?
Thôi thì tăng giá dịch vụ cũng được, nhưng nên nghĩ tăng chất lượng dịch vụ cho đàng hoàng, có cạnh tranh thì đua nhau bằng chất lượng dịch vụ chứ đừng giở chiêu độc quyền. "Vi mô" là thế, "vĩ mô" cũng phải nghĩ cách làm thế nào thiết lập hệ thống truyền dẫn thống nhất để thiết bị đầu cuối của ai cũng có thể thu được tín hiệu của nhiều nhà cung cấp dịch vụ, được quyền chọn lựa thứ tốt, phù hợp chứ không phải nghiến răng bỏ tiền mua sự bực mình. Một thiết bị đầu cuối cho phép kết nối với nhiều loại tín hiệu sau khi mua thẻ thì chẳng thể ép dân dùng thứ phế phẩm được.
Khi độc quyền được dỡ bỏ, nhà cung cấp dịch vụ muốn có lãi thì phải cạnh tranh tử tế, thể hiện cái sự hơn đích thực chứ không phải muốn làm gì thì làm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.