(HNM) - Mới đây, Bộ Công Thương thông báo tỷ lệ kháng kiện thành công của Việt Nam trước các vụ việc do nước ngoài khởi kiện đạt 43%. Thông tin này đã thu hút sự chú ý của dư luận, nhất là từ phía doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.
Sở dĩ vừa qua một số công ty, hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài khiếu kiện doanh nghiệp Việt Nam là do họ gặp khó khăn khi tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 đang hoành hành. Theo Bộ Công Thương, nhiều quốc gia có chủ ý bảo hộ sản xuất trong nước và tăng cường các hàng rào kỹ thuật để cản trở hàng nhập khẩu. Trong khi đó, Việt Nam lại gia tăng xuất khẩu nên trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm của họ...
Thực tế này cho thấy sự lớn mạnh, bản lĩnh của các doanh nghiệp trong nước. Đây cũng là sự đảo chiều thú vị bởi thời gian trước, doanh nghiệp Việt thường bị các doanh nghiệp nước ngoài khiếu kiện nhưng những vụ đáp trả, kháng kiện thành công rất ít. Tình hình đã dần thay đổi khi Bộ Công Thương vào cuộc, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp thông qua cung cấp thông tin, trao đổi kinh nghiệm, biện pháp phòng vệ thương mại... Mỗi năm, Bộ Công Thương tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, lớp tập huấn về vấn đề tranh chấp, xử lý tranh chấp thương mại, kháng kiện và thu được sự quan tâm của doanh nghiệp... Hoạt động kháng kiện thành công đã góp phần bảo vệ việc làm cho khoảng 150.000 người lao động, xác lập sự bình đẳng trong giao thương.
Về phía mình, các hiệp hội, từng doanh nghiệp trong nước cũng ngày càng chủ động và sẵn sàng khởi kiện doanh nghiệp nước ngoài khi họ có hành vi bán phá giá, hưởng trợ giá bất hợp lý, cạnh tranh không lành mạnh... Để bơi được ở "biển lớn", bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, mỗi doanh nghiệp Việt cần trang bị kiến thức để tăng "đề kháng" trong giao thương quốc tế, đủ sức tự bảo vệ khi bị “người kiện” cũng như khi “kiện người”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.