(HNM) - Cùng với chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, xóa đói giảm nghèo, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa… những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm thực hiện chính sách ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trí thức là người dân tộc thiểu số (DTTS), coi đây là giải pháp quan trọng để tháo gỡ những khó khăn, giúp 53 DTTS, với dân số hơn 12 triệu người (chiếm hơn 14% tổng số dân cả nước) vươn lên.
Việc đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số đối với cán bộ, công chức công tác ở vùng dân tộc, miền núi là việc làm hết sức cần thiết. |
Yếu đâu, đào tạo đó
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Hữu Thắng, đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) công tác tại vùng DTTS có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc lãnh đạo, tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, góp phần tích cực xóa đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng, tiến bộ xã hội, qua đó thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống giữa các dân tộc. Nhiều đề án, chương trình của Nhà nước liên quan tới công tác quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD); chế độ đãi ngộ, tuyển dụng, sử dụng CBCC vùng DTTS được ban hành.
Qua khảo sát của Bộ Nội vụ, CB chuyên trách, 7 chức danh chuyên môn, CB nguồn ở các tỉnh đều được ĐTBD về chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước, lý luận chính trị, tin học. Việc bồi dưỡng tiếng dân tộc cho CBCC làm việc ở vùng đồng bào có đông người DTTS cũng được đẩy mạnh. Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành quyết định về Chương trình khung đào tạo giáo viên dạy tiếng DTTS; xây dựng và ban hành 8 chương trình dạy tiếng dân tộc cho giáo viên và CB học tiếng Chăm, Giarai, Khmer, Mông. Bộ Nội vụ đã chỉnh sửa 19 bộ tài liệu tiếng DTTS để đào tạo cho CBCC vùng DTTS. Đến nay, đã có 33 tỉnh biên soạn xong 37 bộ tài liệu dạy tiếng DTTS và trong 5 năm qua đã có 11.462 lượt CBCC được học tiếng dân tộc.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, hệ thống chính sách hỗ trợ giáo dục ở vùng DTTS rất phong phú, như chính sách hoàn thiện các trường chuyên biệt, chính sách đãi ngộ CB, giáo viên công tác, giảng dạy ở vùng dân tộc… Riêng chính sách tuyển sinh theo chế độ cử tuyển trong 15 năm qua đã thu hút 14.283 sinh viên của 52/53 DTTS vào các trường đại học, cao đẳng.
Tính đến cuối năm 2009 đã có gần 28.000 lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện và triển khai 5 dự án trí thức trẻ tình nguyện tham gia phát triển nông thôn, miền núi, xây dựng cơ sở vật chất xã, phường…
Vẫn còn trở ngại
Do đặc điểm khó khăn về địa lý, kinh tế - xã hội và nhận thức chung của đồng bào dân tộc còn hạn chế nên tỷ lệ CBCC người DTTS ở mỗi dân tộc khác nhau, cơ cấu trình độ cũng khác nhau, việc bố trí, sử dụng còn bất cập. Thống kê trong đề án "Một số giải pháp tăng cường công tác ĐTBD và tạo nguồn đội ngũ CB hệ thống chính trị cơ sở vùng Tây Bắc" cho thấy, trong tổng số 27.822 CB chuyên trách, cấp xã có 43,5% tốt nghiệp THPT; 44,2% tốt nghiệp THCS; gần 12,2% tốt nghiệp tiểu học và còn 0,14% chưa tốt nghiệp tiểu học. Ngay tại TP Hà Nội, dù công tác CB tại các xã vùng dân tộc và miền núi ngày càng được quan tâm, số CB chủ chốt có trình độ đại học chiếm 5-6%; trình độ THPT chiếm 68,4%; trình độ trung cấp lý luận chính trị chiếm 83%. Tuy nhiên, năng lực trình độ của đội ngũ CB còn hạn chế, chưa đáp ứng được công cuộc đổi mới; tỷ lệ CB chủ chốt là nữ chỉ chiếm 3,9%.
ĐTBD nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho đội ngũ CBCC người DTTS là yêu cầu cấp bách. Trước tiên là cần giúp CBCC vượt qua những trở ngại về địa lý, kinh tế và cả tâm lý để sẵn sàng theo học; phải thường xuyên rà soát, điều tra nắm thực trạng về số lượng, chất lượng CBCC. Trên cơ sở đó xây dựng chương trình, nội dung ĐTBD phù hợp với đối tượng và nhu cầu công việc. Ngoài việc bảo đảm các yếu tố, chất lượng giáo viên, phương tiện giảng dạy, tùy theo đặc điểm tình hình để xác định phương thức đào tạo cho phù hợp, như đào tạo bán tập trung, đào tạo thông qua công việc tại chỗ, thông qua các hội thảo, hội nghị… Làm tốt công tác ĐTBD CBCC vùng DTTS không chỉ góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS, mà còn củng cố niềm tin của đồng bào các dân tộc với Đảng, Nhà nước, tăng cường tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.