(HNM) - Biến đổi khí hậu khiến thiên tai ngày càng cực đoan và trái quy luật, vì vậy, các sở, ngành, quận, huyện, thị xã không được phép chủ quan, lơ là; phải nâng cao tính chủ động trong phòng, chống thiên tai…
Tiềm ẩn nguy cơ
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội, Phó Trưởng ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai (PCTT) thành phố Chu Phú Mỹ, quy luật là: Hà Nội thường bị ảnh hưởng từ cơn bão số 3 trở đi và lượng mưa thấp. Nhưng năm nay, bão số 1 đã đổ vào thành phố với sức gió giật cấp 8, cấp 9, kèm theo lượng mưa tới 133mm; bão số 3 có sức gió giật cấp 6, cấp 8, lượng mưa bình quân 168mm. Đây là biểu hiện rõ nét tính cực đoan của thời tiết do biến đổi khí hậu. Bên cạnh tính khắc nghiệt của thời tiết, nhiều năm nay Hà Nội ít xảy ra mưa bão, lũ lớn nên nhiều người dân, thậm chí một số cán bộ cơ sở vẫn chủ quan trong công tác chuẩn bị, ứng phó bão lũ.
Đại tá, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Bùi Trọng Quỳnh cho biết, công tác PCTT của thành phố hiện còn một số bất cập. Nhiều địa phương chưa tổ chức diễn tập nên khi có tình huống thiên tai lớn, phức tạp, đòi hỏi phải huy động nhiều lực lượng tham gia, công tác tổ chức chỉ huy hiệp đồng vẫn còn lúng túng. Vai trò của cơ quan chủ trì còn chưa rõ, chưa thực hiện hết chức năng nhiệm vụ được phân công. Việc huy động nguồn lực tại chỗ ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, công tác dự báo bão, đánh giá tình hình thời tiết, khí hậu thủy văn chưa sát thực tế gây khó khăn cho công tác xây dựng phương án ứng phó… Đại tá, Phó Giám đốc Công an thành phố Đoàn Ngọc Hùng cho biết: Vào mùa mưa bão nhưng nhiều địa phương chưa quyết liệt trong công tác xử lý vi phạm đê điều, công trình thủy lợi, khai thác, sử dụng phương tiện bến thủy nội địa… tiềm ẩn nhiều nguy cơ không an toàn công trình phòng, chống lũ lụt, an toàn tính mạng nhân dân…
Nâng cao năng lực ứng phó
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT các cấp, năm nay, Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo rất quyết liệt, kịp thời. Các cấp, các ngành của thành phố đã ban hành 55 văn bản chỉ đạo ứng phó 3 cơn bão. Bộ Tư lệnh Thủ đô, Công an thành phố, các doanh nghiệp điện lực, thoát nước đô thị, công viên cây xanh, thủy lợi… huy động 100% quân số, phương tiện, thiết bị sẵn sàng ứng phó và khắc phục hậu quả sau bão. Sự chỉ đạo quyết liệt và chủ động đã giúp Hà Nội giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, nhanh chóng khắc phục hậu quả mưa bão, sớm ổn định đời sống nhân dân.
Tuy nhiên, do biến đổi khí hậu nên thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Để nâng cao năng lực PCTT, Đại tá Đoàn Ngọc Hùng kiến nghị thành phố chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên tổ chức huấn luyện kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu về công tác ứng phó thiên tai; tiếp tục trang bị bổ sung phương tiện cho lực lượng làm công tác cứu hộ, cứu nạn. Sở Giao thông vận tải cần hạn chế cấp phép cho các phương tiện vận chuyển người qua sông trong mùa mưa bão và không cấp phép cho các phương tiện tàu, thuyền, phà không đủ điều kiện vận chuyển người, phương tiện qua sông. Sở NN&PTNT phối hợp với Công an thành phố kiểm tra, xử lý, ngăn chặn xe quá tải trọng đi trên đê hữu Hồng, đoạn thuộc huyện Thường Tín, Phú Xuyên, đê tả Đáy thuộc huyện Hoài Đức; tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm về khai thác, tập kết vật liệu xây dựng, đe dọa an toàn công trình đê điều, thủy lợi…
Đại tá Bùi Trọng Quỳnh đề xuất, thành phố cần bổ sung các trang, thiết bị PCTT và tìm kiếm cứu nạn. Các quận, huyện, thị xã chủ động phối hợp, hiệp đồng với đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn, tăng cường tổ chức luyện tập, diễn tập PCTT và tìm kiếm cứu nạn trong mọi tình huống… Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Trọng Lượng đề nghị, thành phố cần tổ chức rút kinh nghiệm để triển khai nhiệm vụ PCTT sớm hơn; đồng thời hỗ trợ kinh phí cho các địa phương trong công tác diễn tập phương án PCTT…
Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu ghi nhận nỗ lực của các cấp, các ngành trong việc ứng phó thiên tai trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng chỉ ra 3 hạn chế lớn cần phải khắc phục ngay, đó là: cần tăng cường công tác tuyên truyền, cảnh báo để nhân dân nhận thức sâu sắc hơn về công tác PCTT, tránh tư tưởng chủ quan; có biện pháp chủ động phòng, tránh và tự giác bảo vệ công trình đê điều, thủy lợi… Ban Chỉ huy PCTT các cấp phải thực hiện nghiêm túc chế độ trực, báo cáo để phục vụ công tác chỉ đạo kịp thời, sát thực tế, hiệu quả. Công tác dự báo bão cần phải chính xác, kịp thời… Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu các ngành, địa phương thời gian tới tập trung khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân; đồng thời, thống kê chính xác thiệt hại tài sản của nhân dân, công trình đê điều, thủy lợi bị hư hỏng… đề nghị thành phố hỗ trợ…
Bão số 1 và bão số 3 đi qua Hà Nội đã làm 11 người bị thương; 4.145 ngôi nhà bị sập đổ, hư hại; 63 điểm trường học; 15 công trình văn hóa bị ảnh hưởng. Mưa bão cũng đã làm gần 5.600ha lúa, gần 3.800ha hoa, rau màu, 3.918ha cây trồng lâu năm, 34.684ha cây trồng hàng năm, 21.262ha cây ăn quả tập trung bị hư hại, giảm năng suất... Tổng thiệt hại ước tính hàng trăm tỷ đồng. Ngoài ra, bão số 1 và bão số 3 làm sạt lở 25 vị trí đê, kè trên tuyến hữu Đà, hữu Hồng, tả Hồng, tả Đuống, tả Đáy... |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.