(HNMO) - Sáng 9-7, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã chủ trì cuộc họp triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ" vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành (ngày 4-7-2019).
Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), mặc dù đã có hệ thống cảnh báo phòng vệ thương mại bên cạnh việc quản lý nguồn gốc qua chứng nhận xuất xứ, song, các vụ việc điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam đang có xu hướng gia tăng. Sản phẩm bị điều tra chủ yếu là các mặt hàng: Sắt thép, sợi, đồ điện tử, đồ gỗ... Hầu hết các vụ đều đi đến kết luận là có tồn tại hành vi lẩn tránh và sau đó bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.
Để xử lý hiệu quả hơn các vi phạm về hành vi lẩn tránh, gian lận xuất xứ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo Cục Phòng vệ thương mại thành lập Tổ thường trực Đề án, sớm hoàn thiện kế hoạch hành động, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để triển khai. Trước mắt, tập trung vào nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao như: Gỗ và sản phẩm dệt may, giày dép, thủy sản, thép, nhôm…
Bộ trưởng cũng đề nghị các tổ chức cấp C/O (chứng nhận xuất xứ), cơ quan Hải quan siết chặt việc cấp C/O, tăng cường kiểm tra đối với các doanh nghiệp có lượng xuất khẩu tăng đột biến.
Cục Phòng vệ thương mại phối hợp với các đơn vị liên quan làm việc với các hiệp hội, ngành hàng có nguy cơ bị điều tra lẩn tránh, gian lận xuất xứ; rà soát, kiến nghị việc tăng cường kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động chuyển tải, tạm nhập tái xuất...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.