Kinh tế

Ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại:‎ Cảnh báo từ xa, từ sớm‎

Lam Giang 19/10/2024 14:19

Là quốc gia có kim ngạch xuất khẩu lớn nên Việt Nam cũng phải đối mặt với số vụ điều tra phòng vệ thương mại ngày càng tăng, xu hướng điều tra khắt khe và sản phẩm đa dạng hơn. Với mục tiêu phòng hơn chống, công tác ứng phó, phòng vệ thương mại tiếp tục được cảnh báo từ xa, từ sớm nhằm bảo vệ tối đa các ngành hàng xuất khẩu.‎

hoa-phat.jpg
Với năng lực sản xuất và xuất khẩu tăng cao, thép Việt Nam đối mặt nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại. Trong ảnh: Sản xuất thép chất lượng cao tại Tập đoàn Hòa Phát. Ảnh: Nguyễn Vĩnh

Phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng‎

Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái cho biết, song hành với sự phát triển đạt quy mô sản xuất 20 triệu tấn thép thô, xếp hạng thứ 12 thế giới trong năm 2023, xuất khẩu đi 30 quốc gia trên thế giới, ngành thép đối mặt những thách thức không nhỏ đến từ các vụ phòng vệ thương mại tại nhiều thị trường xuất khẩu.

Đến tháng 9-2024, có 78 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại liên quan tới ngành thép, chiếm hơn 30% số lượng các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan hàng xuất khẩu Việt Nam. Các thị trường nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với thép Việt Nam gồm: Hoa Kỳ (18 vụ), Malaysia (9 vụ), Canada (8 vụ), Thái Lan (7 vụ)…

Báo cáo của Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, trong bối cảnh nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) có hiệu lực, nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam có những bước phát triển vượt bậc, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa liên tục tăng trưởng mạnh.

Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam ngày càng đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng quốc tế nên đã gây áp lực lớn cho ngành sản xuất trong nước của nhiều quốc gia nhập khẩu. Điều này khiến nhiều quốc gia gia tăng sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại để hạn chế thiệt hại đối với sản xuất trong nước.

Các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ. Số lượng vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vì thế ngày càng gia tăng.

Nếu như trong giai đoạn từ năm 2001 đến 2011, chỉ có 50 vụ việc nước ngoài điều tra áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam thì từ năm 2011 đến nay là 209 vụ. Riêng năm 2020, có tới 39 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, cao nhất trong các năm. Còn trong 9 tháng năm 2024, Bộ Công Thương đã và đang xử lý 15 vụ việc mới phát sinh.

Đáng chú ý, theo Cục Phòng vệ thương mại, thị trường điều tra ngày càng mở rộng, ngoài các thị trường xuất khẩu truyền thống, hiện gia tăng số vụ việc do các nước ASEAN, Mexico tiến hành và một số quốc gia chưa từng điều tra hoặc ít điều tra với hàng hóa nước ta như Nam Phi.

Bên cạnh đó, phạm vi sản phẩm bị điều tra ngày càng đa dạng, không giới hạn ở các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỷ USD như tôm, cá tra, thép, gỗ, pin năng lượng mặt trời…, mà mở rộng với cả sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu thấp như máy cắt cỏ, mật ong, đĩa giấy, ghim dập…

Phòng hơn chống

Theo Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ Đỗ Ngọc Hưng, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam song cũng là thị trường điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất với 66 vụ việc. Mặt hàng bị điều tra chủ yếu là thép, gỗ, tôm, cá tra, mật ong và gần đây liên quan đến pin năng lượng mặt trời, đĩa giấy... Đáng chú ý, phía Hoa Kỳ ban hành các quy định mới liên quan tới phòng vệ thương mại, khiến vụ việc điều tra trở nên phức tạp, tốn nhiều nhân lực và không có lợi cho doanh nghiệp.

Theo các chuyên gia, tuy năng lực ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện, song việc gia tăng các vụ việc điều tra khiến hàng hóa xuất khẩu Việt Nam bị áp thuế cao, đứng trước nguy cơ giảm cạnh tranh và mất thị trường xuất khẩu… Do đó, công tác phòng vệ thương mại cần tiếp tục đặt ra như “lá chắn” cho hoạt động sản xuất, xuất khẩu trong nước.

Về công tác phòng vệ thương mại, Tổng Thư ký Hiệp hội Thép Việt Nam Đinh Quốc Thái kiến nghị, các cơ quan chức năng tiếp tục đưa ra các thông tin kịp thời về vụ việc phát sinh, đồng thời, hỗ trợ, tư vấn triển khai các vụ việc. Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ kết nối giao thương để thúc đẩy xuất khẩu mặt hàng thép tới nhiều thị trường. Cơ quan Thương vụ Việt Nam tiếp tục cập nhật, cảnh báo, hỗ trợ các quy định và quá trình điều tra của nước nhập khẩu.‎

Theo ông Đỗ Ngọc Hưng, với mục tiêu “phòng hơn chống”, thời gian qua, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ luôn chủ động gặp gỡ, trao đổi với các bên liên quan ở Hoa Kỳ để có thể đánh giá, phân tích, đưa ra những cảnh báo với doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Thương vụ cũng sẵn sàng hỗ trợ cung cấp thông tin, phối hợp với cơ quan trong nước, các hiệp hội của Việt Nam để làm việc với phía Hoa Kỳ trong các vụ kiện phòng vệ thương mại.

“Các doanh nghiệp cũng nên tìm hiểu những mặt hàng Hoa Kỳ đã điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để xem xét, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, tránh bị vướng vào các vụ kiện lẩn tránh thuế hoặc liên quan đến Đạo luật Lao động cưỡng bức (UFLPA) khiến hàng hóa bị kiểm tra nghiêm ngặt và có nguy cơ bị trả lại”, ông Đỗ Ngọc Hưng nói.

Bộ Công Thương cho biết, sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng vệ thương mại trên cơ sở phù hợp với thực tiễn và các cam kết quốc tế. Cùng với đó, Bộ tiếp tục đẩy mạnh công tác cảnh báo “từ xa, từ sớm” các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài với hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Đồng thời, tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp; hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp xuất khẩu, góp phần đưa xuất khẩu là một trong những động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng của đất nước thời gian tới.

Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Chu Thắng Trung:
Cảnh báo sớm các mặt hàng có thể bị điều tra

ong-chu-thang-trung.jpg

Thời gian qua, cơ quan quản lý đã nỗ lực cảnh báo sớm các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra; cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về quy trình điều tra, kịch bản xử lý; phối hợp với các hiệp hội và doanh nghiệp trao đổi với cơ quan điều tra nước ngoài, nhằm bảo vệ, hỗ trợ ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam được đối xử công bằng theo quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Để chủ động ứng phó với việc phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần nắm bắt thông tin, kiến thức cơ bản về phòng vệ thương mại, đồng thời, cân nhắc việc chủ động tham gia, cung cấp thông tin đầy đủ, đúng thời hạn theo yêu cầu của cơ quan điều tra.

Khi đã xác định được nguy cơ, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị trước về hệ thống quản trị doanh nghiệp, rà soát, kiểm tra lại hệ thống kế toán, sổ sách, chứng từ… bảo đảm đầy đủ, chính xác, khoa học, có thể truy xuất và xác minh. Bên cạnh đó, thông qua đánh giá nguy cơ, doanh nghiệp nên xác định lại chiến lược kinh doanh, đa dạng hóa thị trường, đồng thời, phối hợp, chia sẻ thông tin để cùng ứng phó...

Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada Trần Thu Quỳnh:
Doanh nghiệp nên theo dõi thông tin cảnh báo

tran-thu-quynh-tt-canada.jpeg

Đến nay, Canada đã khởi xướng điều tra 19 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, gồm 12 vụ việc chống bán phá giá, 5 vụ việc chống trợ cấp và 2 vụ việc phòng vệ.

Khi điều tra một sản phẩm, Canada thường xem xét luồng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia liên quan, dù lượng xuất khẩu có thể không đáng kể. Khi đó, các sản phẩm đều bị điều tra cả thuế chống bán phá giá và thuế đối kháng.

Do đó, doanh nghiệp sản xuất của Việt Nam nên theo dõi thông tin cảnh báo, nắm xu thế và tình hình các vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến mặt hàng đang sản xuất, tích cực phối hợp cung cấp thông tin để tránh bị áp thuế cao.

Để giúp doanh nghiệp, Thương vụ Việt Nam tại Canada tổ chức nhiều hoạt động phổ biến Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)… Chúng tôi cũng vận động Chính phủ Canada tài trợ cho dự án phát triển cơ sở dữ liệu sản phẩm đầu vào gắn với năng lực cung cấp thỏa mãn tiêu chuẩn xuất xứ để khai thác các FTA hiệu quả và bền vững.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Tô Thị Tường Lan:
Đoàn kết vượt qua thử thách

to-tuong-lan.jpg

Sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới 170 quốc gia song hiện mới chỉ bị Hoa Kỳ kiện chống bán phá giá và chống trợ cấp. Tuy vậy, xuất khẩu thủy sản Việt Nam vẫn luôn tăng trưởng tốt. Trong 8 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt gần 6,3 tỷ USD, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 23%, bất chấp ngành hàng tôm bị điều tra chống trợ cấp.

Để ứng phó với vụ việc phòng vệ thương mại, doanh nghiệp cần chuẩn bị dữ liệu đầy đủ, hồ sơ rõ ràng, lưu giữ qua nhiều năm; tích cực phối hợp với cơ quan chức năng... Chúng tôi cũng khuyến nghị doanh nghiệp nên sử dụng chung 1 đơn vị tư vấn pháp lý nhằm tạo sự thống nhất. Hiện, ngày càng nhiều nguyên đơn tham gia vào các vụ kiện khiến sự việc phức tạp hơn, do đó, các doanh nghiệp cần đoàn kết để vượt qua thách thức và phát triển bền vững.

Hà Thư ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại:‎ Cảnh báo từ xa, từ sớm‎

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.