(HNMO) - Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành kế hoạch tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng năm 2021 và định hướng đến năm 2025.
Mục đích của kế hoạch nhằm giảm thiểu tác động của những thông tin độc hại; tăng cường công tác quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng khai thác, sử dụng thông tin trên môi trường mạng bảo đảm đúng quy định, lành mạnh và hữu ích.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu 100% trường học trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn học sinh khai thác, sử dụng thông tin đúng quy định, phục vụ việc nghiên cứu, học tập, giải trí lành mạnh; 100% trường học xây dựng được đội ngũ cán bộ, giáo viên, cộng tác viên để quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường này.
Kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo đặt ra 5 nhiệm vụ trọng tâm về việc tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng năm 2021 và định hướng đến năm 2025. Trong đó có: Xây dựng và phát triển đội ngũ cộng tác viên quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng; nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cộng tác viên phụ trách công tác giáo dục chính trị tư tưởng đối với học sinh trên môi trường mạng...
Một trong những nội dung đáng chú ý của kế hoạch là việc Bộ giao các sở giáo dục và đào tạo, các nhà trường xây dựng, phát triển các trang thông tin, các nhóm trên mạng xã hội cho học sinh; kết nối thông tin tuyên truyền, giáo dục giữa trang thông tin của nhà trường với các trang thông tin của các phòng, ban, tổ chức Đoàn, tổ chức Đội và các nhóm, các diễn đàn trên mạng xã hội có đông học sinh tham gia.
Ngoài ra, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng chỉ đạo đơn vị, nhà trường có các biện pháp khuyến khích học sinh tham gia, tương tác, theo dõi các diễn đàn trên internet, các trang thông tin, nhóm trên mạng xã hội do các trường quản lý; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các lực lượng trong trường và các cơ quan chức năng, gia đình học sinh để nắm bắt tình hình tư tưởng của học sinh trên môi trường mạng, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.