(HNM) - Sau gần một năm thực hiện Chỉ thị 12/CT-UBND của UBND TP Hồ Chí Minh về tăng cường trách nhiệm bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.
Theo báo cáo của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh, trong 3 năm (từ 2015 đến 2017) đã xảy ra 1.173 vụ cháy, trong đó nhà ở hộ gia đình là 578 vụ; nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (gọi chung là hộ kinh doanh) là 595 vụ. Thiệt hại về tài sản hơn 3 tỷ đồng và làm chết 24 người. Hiện toàn thành phố có 1.335.126 nhà ở hộ gia đình (không gồm các căn hộ chung cư, nhà ở các khu đô thị, khu dân cư mới chưa thành lập tổ dân phố) với 57.241 căn nhà có nguy hiểm về cháy, nổ do được xây dựng bằng vật liệu dễ cháy và có hệ thống điện không an toàn.
Theo nhận định của Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy thành phố, qua điều tra nguyên nhân các vụ cháy, nổ xảy ra thời gian qua cho thấy, ý thức chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy của chủ cơ sở, chủ hộ gia đình không nghiêm, người dân còn chủ quan, lơ là với việc phòng cháy và chữa cháy, xem nhẹ sự an toàn cho chính bản thân và gia đình mình như: Vi phạm các quy định an toàn trong sử dụng điện; sơ suất, bất cẩn trong việc quản lý, sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt; sắp xếp hàng hóa không đủ khoảng cách an toàn, lấn chiếm lối thoát nạn...
Trước những nguy cơ cháy, nổ cao tại nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố, ngay từ đầu năm 2018, lực lượng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh đã triển khai nhiều kế hoạch cùng các giải pháp cụ thể hướng đến mục tiêu kiềm chế, kéo giảm 10% số vụ cháy lớn, cháy gây thiệt hại nghiêm trọng. Đại tá Huỳnh Ngọc Quan, Trưởng phòng Hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy và chữa cháy (Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh) cho hay, đơn vị đã tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và xây dựng phong trào toàn dân tham gia phòng cháy và chữa cháy; đồng thời tiếp tục duy trì công tác điều tra cơ bản, nắm tình hình toàn bộ công tác an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh trên địa bàn. Để góp phần giảm các vụ cháy, nổ xảy ra, người dân cần quan tâm đến việc phòng cháy và chữa cháy nơi mình sống như: Tìm hiểu kiến thức, tham gia tập huấn chữa cháy, trang bị bình cứu hỏa mi ni; thường xuyên kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình và cẩn thận khi thắp hương, thờ cúng trong nhà, không để bàn thờ sát những đồ vật dễ cháy...
Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc phụ trách Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy TP Hồ Chí Minh cho biết, sẽ tiếp tục chủ động tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố và Bộ Công an xây dựng ban hành các văn bản chỉ đạo, tăng cường các biện pháp phòng cháy và chữa cháy nhằm tiếp tục kéo giảm tình hình cháy trên địa bàn; tham mưu UBND thành phố ban hành, triển khai thực hiện quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy đối với nhà ở hộ gia đình và hộ kinh doanh, cũng như tổng kiểm tra, rà soát xử lý các cơ sở nguy hiểm cháy, nổ xen cài trong khu dân cư; đồng thời phối hợp với các cơ quan thông tin đẩy mạnh tuyên truyền; cảnh báo, khuyến cáo người dân về nguy cơ cháy, nổ...
Để hạn chế thấp nhất các vụ hỏa hoạn xảy ra, nhất là những nhà ở kết hợp kinh doanh, hơn ai hết các chủ hộ kinh doanh phải tuân thủ quy định về an toàn phòng cháy và chữa cháy, trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tại các chung cư, người dân cần bảo quản tốt các thiết bị chữa cháy đã được trang bị, nếu phát hiện hỏng hóc phải báo ngay cho ban quản lý tòa nhà.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.