Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

Hà Phong| 26/06/2022 07:55

(HNM) - Hiện nay, người dân ngày càng quan tâm hơn đến việc tiếp cận thông tin pháp luật để phục vụ nhu cầu của bản thân, nhất là trong các lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến đời sống, công việc hằng ngày. Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” do Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan xây dựng được kỳ vọng sẽ hỗ trợ người dân khai thác thuận lợi hơn.

Đoàn Luật sư Hà Nội tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân huyện Thường Tín về hòa giải ở cơ sở.

Đẩy mạnh tương tác 2 chiều

Theo Bộ Tư pháp, sau khi cơ quan này phối hợp với các bộ, ngành rà soát, tập hợp, sắp xếp các văn bản quy phạm pháp luật đang còn hiệu lực do cơ quan nhà nước ở trung ương ban hành góp phần nâng cao tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, đăng công khai trên địa chỉ https://phapdien.moj.gov.vn đã được các cá nhân, tổ chức đón nhận tích cực. Trung bình mỗi ngày có hơn 7.000 lượt người khai thác dữ liệu, từ lĩnh vực đất đai, thuế, hải quan đến hôn nhân gia đình, bình đẳng giới...

Tại Hà Nội, các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, như: Thi “Hòa giải viên giỏi”; “Báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật giỏi về pháp luật phòng, chống tham nhũng”; “Tìm hiểu dịch vụ công trực tuyến”; “Tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch Covid-19” đã thu hút hàng trăm nghìn người, thậm chí có cuộc thi thu hút hơn 1 triệu lượt người tham gia.

Tuy nhiên, theo Phó Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) Ngô Quỳnh Hoa, nhìn trên bình diện chung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật hiện chưa thực sự phù hợp với đặc điểm của tất cả các nhóm đối tượng, địa bàn. Người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, các nhóm đặc thù, yếu thế còn gặp khó khăn trong việc tiếp cận thông tin cũng như việc sử dụng pháp luật để thực hiện quyền, tự bảo vệ quyền của mình.

Ở chiều ngược lại, một số cơ quan có thẩm quyền chưa thực sự chủ động hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận pháp luật. Vì vậy, Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” đang được Bộ Tư pháp phối hợp với các cơ quan xây dựng góp phần bổ sung, bổ trợ cho các chương trình, đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đã thực hiện.

Đề án tập trung nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các quy định pháp luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, hòa giải ở cơ sở, tiếp cận thông tin, luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng, các thiết chế bổ trợ tư pháp khác; hoàn thiện quy định pháp luật nhằm nâng cấp và đổi mới hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật bảo đảm đồng bộ, thống nhất. Cùng đó là nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong hoạt động cung cấp thông tin, tiếp công dân, đối thoại, giải quyết thủ tục hành chính, khiếu nại, tố cáo, thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn. Qua đó, năng lực tiếp cận pháp luật cho người dân, gồm năng lực tiếp cận thông tin pháp luật và năng lực sử dụng quyền, tự bảo vệ quyền cũng được tăng cường.

Cần khảo sát về nhu cầu tiếp cận

PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đánh giá, lâu nay việc tiếp cận pháp luật của người dân là những “mảnh ghép” rời rạc từ các bộ, ngành mà chưa có một đầu mối điều phối hoạt động này. Vì thế, Đề án “Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân” được đưa ra rất đúng, trúng thời điểm.

Để đề án hoàn thiện hơn nữa, PGS.TS Hoàng Thị Kim Quế đề nghị các cơ quan nhà nước cần phối hợp tổ chức xã hội, tổ chức nghề nghiệp khảo sát về tình hình thực hiện pháp luật để xây dựng chương trình, kế hoạch, nội dung hỗ trợ phù hợp với nhu cầu người dân từng vùng, miền. Cũng cần xây dựng bộ tiêu chí đo lường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân; đánh giá về thực hiện, đáp ứng cung cấp, hỗ trợ thông tin, cơ chế, nguồn lực của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội; tăng cường năng lực, tính chủ động của người dân trong tiếp cận các thông tin, loại hình dịch vụ pháp lý.

Tiến sĩ Bùi Xuân Phái (Đại học Luật Hà Nội) lưu ý, chỉ tiếp cận pháp luật thực định là chưa đủ, mà phải mở rộng tiếp cận tri thức pháp luật. Đó là việc người dân cũng nên hiểu tại sao pháp luật như vậy… Ở chiều ngược lại, trách nhiệm của Nhà nước là căn cứ vào nhu cầu của người dân để cung cấp dịch vụ pháp luật, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá các dịch vụ này…

Liên quan đến vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, làm rõ “bức tranh” về thực trạng, văn hóa pháp lý, thói quen của người dân trong tìm hiểu pháp luật, chấp hành pháp luật, qua đó đưa ra các giải pháp hiệu quả nâng cao hiểu biết pháp luật, kỹ năng tiếp cận, sử dụng pháp luật cho người dân; rà soát, xác định mục tiêu cụ thể, bảo đảm trong đó có những mục tiêu được định lượng cũng là đích đề án đang hướng tới.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp sẽ nghiên cứu tập trung tăng cường năng lực tiếp cận thông tin cho nhóm đặc thù, yếu thế; có các dữ liệu thông tin, xác định rõ trách nhiệm của bộ, ngành, địa phương trong cập nhật, quản lý công tác tiếp cận pháp luật. Các giải pháp để tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cần xác định cụ thể dựa trên cơ sở bảo đảm sự tương tác quyền hạn, nghĩa vụ, trách nhiệm giữa các nhóm chủ thể "Nhà nước - công dân, doanh nghiệp - tổ chức".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật của người dân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.