Tại thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh những hình thức phổ biến, tuyên truyền pháp luật vẫn được áp dụng lâu nay, nhiều cấp, ngành đã có những cách làm mới trong tăng cường đưa kiến thức pháp luật đến gần hơn với các tầng lớp nhân dân.
Ngay trước dịp kỷ niệm Ngày Pháp luật Việt Nam (9-11) năm nay, Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh và Công đoàn các khu chế xuất, công nghiệp của thành phố đã ký kết phối hợp tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động giai đoạn 2023- 2028, tập trung vào các văn bản pháp luật có liên quan đến người lao động. Cùng với đó, nắm bắt, giải quyết kịp thời bức xúc, khiếu nại của người lao động để giải quyết mâu thuẫn sớm từ cơ sở.
Ông Phạm Chí Tâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hồ Chí Minh thông tin, giai đoạn 2017-2023, bằng việc tư vấn qua điện thoại, email và hoạt động trực tiếp của 6 tổ tư vấn, Trung tâm Tư vấn pháp luật đã hỗ trợ pháp lý và giành lại quyền lợi về bảo hiểm xã hội cho gần 200 công nhân tại Khu công nghiệp Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), Khu công nghiệp Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh); hỗ trợ người lao động trong 9 vụ tranh chấp lao động cá nhân, có khởi kiện tại tòa án. Cùng với đó, Trung tâm còn tập huấn cho nhiều lượt cán bộ công đoàn cơ sở tham gia tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người lao động.
Chị Trương Kim Sương, một người lao động từng tham gia hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật do Công đoàn phối hợp tổ chức, chia sẻ: “Qua buổi nói chuyện và tư vấn pháp lý, tôi hiểu hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình và thấy rõ hơn vai trò của tổ chức Công đoàn trong chăm lo đời sống người lao động”.
Dịp hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 năm nay cũng đánh dấu 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở giai đoạn 2013-2023.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều địa phương đã đẩy mạnh công tác hòa giải ở cơ sở song song với các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong cộng đồng. Quận 4 là một điển hình. Trong 10 năm qua, quận đã tổ chức trên 3.800 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật với hơn 236.000 lượt người tham dự; biên soạn, phát hành miễn phí trên 30.000 tài liệu/năm tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật đến nhân dân trên địa bàn.
Chủ tịch UBND quận 4 Lê Văn Chiến cho biết, toàn quận hiện có 82 tổ hòa giải ở cơ sở với 366 hòa giải viên. Bên cạnh đó, quận cũng đã tập trung xây dựng, nhân rộng các mô hình, cách làm hay trong công tác hòa giải cơ sở như: Mô hình “Tổ hòa giải 3 tốt”, “Tổ hòa giải tiêu biểu”… Từ năm 2014 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải thành 348 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,1%.
“Việc gắn tuyên truyền, phổ biến pháp luật với thực hiện tốt hòa giải ở cơ sở đã được thực hiện đúng phương châm người dân là trung tâm, là chủ thể trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật; tạo sự đồng thuận xã hội, nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật”, ông Lê Văn Chiến nói.
Tại quận 3, trong 10 năm qua, các tổ hòa giải cơ sở và hòa giải viên đã thực hiện 1.430 vụ việc, tỷ lệ hòa giải thành là hơn 64%. Quận đã tổ chức 8.307 cuộc tuyên truyền pháp luật cho 127.408 lượt người tham dự….
Chủ tịch UBND quận 3 Nguyễn Văn Đức cho biết việc hướng dẫn, giúp đỡ, thuyết phục các bên đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp và vi phạm pháp luật trong cộng đồng dân cư… tạo nên sự đồng thuận, ổn định tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.