Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

Hà Vũ| 11/12/2022 06:22

(HNM) - Tại Hội nghị lần thứ mười vừa qua, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII đã thông qua Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2023. Trao đổi với Báo Hànộimới, đồng chí Hoàng Trọng Quyết, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội khẳng định, đây là nội dung có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh Thành ủy tiếp tục chỉ đạo thực hiện chủ đề công tác năm 2023 là: “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; đòi hỏi phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội Hoàng Trọng Quyết. Ảnh: Quang Thái

Rõ trọng tâm, trọng điểm

- Ủy ban Kiểm tra Thành ủy là cơ quan chủ trì tham mưu Tờ trình của Ban Thường vụ Thành ủy về Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thành ủy năm 2023. Xin đồng chí cho biết những điểm nổi bật trong kế hoạch này?

- Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội khóa XVII năm 2023 đã được thông qua sau khi tiếp thu những ý kiến thảo luận rất dân chủ, trí tuệ và thống nhất rất cao. Ngày 30-11, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng đã ký chính thức ban hành kế hoạch (Kế hoạch số 118-KH/TU).

Theo đó, trong năm 2023, bên cạnh việc xác định rõ trách nhiệm của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy và các đồng chí Thành ủy viên tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên, Thành ủy Hà Nội sẽ thực hiện một cuộc kiểm tra và hai cuộc giám sát chuyên đề. Cụ thể, trong quý I-2023, Thành ủy sẽ tổ chức kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sau kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương và thành phố. Trong quý II-2023, thực hiện giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”; Quy định số 07-QĐ/TU ngày 17-11-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố Hà Nội và Quy định số 05-QĐ/TU ngày 16-8-2021 của Ban Thường vụ Thành ủy về trách nhiệm và mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và đối tượng khác của thành phố Hà Nội.

Trong quý III-2023, Thành ủy sẽ giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU ngày 17-3-2021 của Thành ủy về phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025 và Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 của Thành ủy về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

 - Vì sao Thành ủy lựa chọn những nội dung kiểm tra, giám sát chuyên đề nêu trên, thưa đồng chí?

- Trong 3 nội dung kiểm tra, giám sát chuyên đề năm 2023 của Thành ủy thì “Kiểm tra công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện sau kết luận kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán của Trung ương và thành phố” thực hiện trong quý I có ý nghĩa rất cần thiết; việc xác định là kiểm tra chứ không phải giám sát cho thấy sự coi trọng của Thành ủy đối với lĩnh vực này để tập trung chỉ đạo, đôn đốc, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, kịp thời giải quyết những vụ việc, những vấn đề phức tạp, tồn đọng kéo dài; thực hiện nghiêm túc, kịp thời các kết luận đã được ban hành, khắc phục sự chậm trễ trong tổ chức thực hiện những hạn chế, yếu kém còn tồn tại; tạo chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.

Việc Thành ủy quyết định kiểm tra nội dung này ngay từ đầu năm 2023 sẽ kịp thời điều chỉnh, đôn đốc thực hiện để có kết quả tốt ngay từ tháng đầu, quý đầu của năm.

Đối với 2 nội dung giám sát trong quý II và quý III-2023 liên quan trực tiếp đến việc thực hiện 2 nghị quyết chuyên đề của Thành ủy Hà Nội: Nghị quyết số 04-NQ/TU và Nghị quyết số 09-NQ/TU. Thông qua giám sát, Thành ủy sẽ đánh giá chính xác tình hình kết quả thực hiện, từ đó có giải pháp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện bảo đảm đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra, nhằm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Tạo điều kiện để các đơn vị tự kiểm tra, khắc phục

- Thành ủy, các đồng chí Thường trực Thành ủy, đặc biệt là đồng chí Bí thư Thành ủy rất quan tâm, coi trọng công tác kiểm tra, giám sát. Còn nhớ trong hơn 2 năm khó khăn do dịch Covid-19, Hà Nội luôn đứng vững, đó là nhờ huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nêu cao tinh thần trách nhiệm của cán bộ các cấp thông qua việc tăng cường kiểm tra, giám sát, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tới tận cấp cơ sở. Thưa đồng chí, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ tham mưu như thế nào để trong năm tới công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực?

- Trong hoàn cảnh càng khó khăn, thách thức, thì công tác kiểm tra, giám sát càng phải phát huy tốt vai trò, trách nhiệm. Khi phải ứng phó với dịch Covid-19, mấu chốt thành công là phải huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân. Để làm được điều đó thì cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy phải vào cuộc thật sự, gương mẫu, trách nhiệm như người nhạc trưởng lãnh đạo ở cơ sở. Đồng thời tăng cường trách nhiệm của cấp ủy cấp trên, Thành ủy đã phân công các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy phụ trách địa bàn kiểm tra, giám sát hằng ngày, hằng tuần cấp ủy cấp dưới, nên đã tạo chuyển biến rất mạnh mẽ, thực sự phát huy được vai trò lãnh đạo của tập thể và cá nhân người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương.

Năm 2023, quán triệt sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ tập trung theo tinh thần nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát nói chung và từng cuộc kiểm tra, giám sát nói riêng; bảo đảm phương châm kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm, giám sát phải mở rộng; đặc biệt là tăng cường kiểm tra, giám sát phải nhằm nâng cao trách nhiệm cá nhân, nhất là trách nhiệm người đứng đầu. Đây cũng chính là sự cụ thể hóa chủ đề “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển” mà Thành ủy chỉ đạo tiếp tục thực hiện trong năm tới.

- Bên cạnh hoạt động kiểm tra, giám sát được tổ chức theo kế hoạch, Thành ủy Hà Nội rất đề cao công tác tự kiểm tra, giám sát của các cấp ủy. Thực tế, đây vẫn là lĩnh vực còn nhiều hạn chế, khiến không ít vụ việc, vấn đề từ nhỏ phát sinh thành lớn, đơn giản thành phức tạp. Vậy Ủy ban Kiểm tra Thành ủy sẽ tham mưu giải pháp gì để khắc phục vấn đề này, thưa đồng chí?

- Thành ủy, Ủy ban Kiểm tra Thành ủy rất coi trọng công tác tự kiểm tra; bởi để xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh thì ý thức tự giác, tinh thần tự phê bình và phê bình các cấp ủy Đảng, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phải thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ có vai trò quyết định.

Khi tham mưu xây dựng Kế hoạch kiểm tra, giám sát của Thành ủy, chúng tôi cũng đã xác định rõ nhiệm vụ này để các cấp ủy Đảng trực thuộc có “không gian” tự kiểm tra, giám sát. Mỗi cuộc kiểm tra, giám sát chuyên đề Thành ủy chỉ trực tiếp làm việc đối với 10 đơn vị, nhưng các đơn vị còn lại phải tự kiểm tra, giám sát, báo cáo kết quả thực hiện và chủ động lãnh đạo, tổ chức thực hiện tốt chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra...

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.