(HNMO) – Ngày 29-9, tại TP Hồ Chí Minh, Cục Hàng hải Việt Nam phối hợp cùng Sở Giao thông – Vận tải TP Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh khu vực Đông – Tây Nam Bộ.
Thời gian tới sẽ nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh khu vực Đông – Tây Nam Bộ. |
Theo các đại biểu, việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, giao thông đường bộ kết nối liên vùng được xem là mục tiêu quan trọng trong chiến lược phát triển và nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh khu vực Đông – Tây Nam Bộ.
Đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cho hay, khu vực Đông – Tây Nam Bộ gồm 18 tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực Đông Nam Bộ có các hệ thống sông lớn như: Đồng Nai, Sài Gòn, Thị Vải, cũng là nơi tập trung các cảng chính của khu vực là cảng Sài Gòn, Cái Mép, Thị Vải, với Nhóm cảng biển số 5 được tập trung tại Cát Lái (TP Hồ Chí Minh) và Cái Mép – Thị Vải là trọng tâm.
Trong khi đó, khu vực Tây Nam Bộ có lợi thế về đường thủy nội địa với trên 13.000km đường thủy được phân bổ đồng đều toàn vùng, nhưng hiện vẫn chưa phát huy được hết tiềm năng. Đặc biệt về đường biển, hiện chưa phát huy được lợi thế do một số cửa biển bị sa bồi, các tuyến vận tải sông pha biển vẫn chưa được quan tâm phát triển nên ảnh hưởng đến khả năng khai thác vận tải đường biển.
Việc thu hút đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn yếu, chưa tạo được sự đột phá và chưa quan tâm đến việc đầu tư phát triển lĩnh vực đường thủy nội địa, đường biển nên dẫn đến tốc độ tăng trưởng của vận tải thủy nội địa, vận tải biển có xu hướng giảm so với vận tải đường bộ.
Lãnh đạo Sở Giao thông – Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, cảng biển TP Hồ Chí Minh nằm trong Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5). Trong đó, quy hoạch cảng biển thành phố là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực (loại 1) với 49 bến cảng, tổng chiều dài cầu cảng đến năm 2020 gần 15km, đến năm 2030 gần 18km; công suất hàng hóa thông qua cảng đến năm 2020 đạt 135 triệu tấn, đến năm 2030 đạt 175 triệu tấn. Quy hoạch cũng xác định xây dựng bến hành khách quốc tế mới cho tàu 5 vạn GRT (dung tải đăng ký) tại Mũi Đèn Đỏ, chuyển đổi một phần bến Khánh Hội làm bến khách nội địa và trung tâm dịch vụ hàng hải... Vì vậy, để gắn kết giao thông chặt chẽ liên vùng thì việc đầu tư phát triển hệ thống cảng biển, hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, giao thông đường bộ kết nối liên vùng được xem là mục tiêu quan trọng trong chiến lược nâng cao năng lực kết nối các phương thức vận tải từ TP Hồ Chí Minh đến các tỉnh khu vực Đông – Tây Nam Bộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.