(HNMO) - Sáng 23-4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế chủ trì hội nghị trực tuyến với chủ đề “Tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Cùng dự có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập kinh tế quốc tế; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Liên ngành hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, khoa học, công nghệ và giáo dục đào tạo.
Tại điểm cầu Hà Nội có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan Đảng, Quốc hội, Văn phòng Chủ tịch nước theo dõi lĩnh vực đối ngoại; đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đại diện lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự trực tuyến.
Ngoài ra, đại diện một số tổ chức quốc tế tại Việt Nam như Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tham dự hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh: Viết Thành |
Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đây là hội nghị đặc biệt quan trọng trong bối cảnh quốc tế, trong nước đang có nhiều biến động, nhất là tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi chúng ta phải nghiên cứu kỹ, trao đổi, thảo luận thẳng thắn, cụ thể để tìm ra những hướng đi, phương pháp, cách làm mới hiệu quả hơn, đáp ứng những yêu cầu, nhiệm vụ trước mắt cũng như trong trung và dài hạn.
Thủ tướng nhấn mạnh, hội nhập quốc tế là một chủ trương lớn, nhất quán, xuyên suốt của Đảng và Nhà nước ta và được cụ thể hóa phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước. Hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng vào thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới và ngày càng mở rộng trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại.
Từ giai đoạn ban đầu hội nhập kinh tế quốc tế, Chính phủ đã cụ thể hóa chủ trương hội nhập bằng nhiều nghị quyết, chỉ thị, quyết định và các văn bản có liên quan, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, tổ chức triển khai mạnh mẽ, hiệu quả công tác hội nhập quốc tế, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.
Theo Thủ tướng, hội nhập quốc tế đã góp phần quan trọng trong các thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong 5 năm qua, trong đó thành tựu lớn nhất là chúng ta đã giữ vững môi trường hòa bình, ổn định chính trị - xã hội, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, thu hút thêm nguồn lực bên ngoài cùng với nội lực trong nước tạo nên động lực phát triển quốc gia mạnh mẽ, đạt nhiều thành tựu to lớn.
Việt Nam đã ký kết, kết thúc đàm phán nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, Liên minh kinh tế Á-Âu, CPTPP, EVFTA..., mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho nền kinh tế đang lớn mạnh trong thời gian tới.
Việc mở rộng quan hệ, nâng cấp quan hệ đối tác với nhiều quốc gia và tổ chức thành công các sự kiện tầm khu vực, toàn cầu như APEC 2017, WEF-ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai (tháng 2-2019)… là những minh chứng cho đường lối Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế, nâng cao vị thế quốc gia, thể hiện vai trò chủ động, tích cực của Việt Nam.
Tuy nhiên, tại hội nghị, Thủ tướng đề nghị nhận thức rõ những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần khắc phục để “tăng cường hội nhập quốc tế chủ động, sáng tạo, hiệu quả vì phát triển nhanh và bền vững”. Hội nghị được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 5 năm thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế và 5 năm thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Thủ tướng yêu cầu các đại biểu đánh giá việc triển khai các nghị quyết của Đảng về hội nhập quốc tế trong 5 năm qua, khẳng định tính đúng đắn của chủ trương hội nhập, tự tin, tiếp tục hội nhập quốc tế, bao gồm đánh giá kết quả thực hiện 5 mục tiêu của Nghị quyết số 22-NQ/TƯ; phân tích, dự báo tình hình quốc tế, trong nước, nhất là cơ hội, thuận lợi và khó khăn, thách thức từ nay đến năm 2020 và trong 5 năm, 10 năm tới, trong đó đặc biệt chú ý tới sự tiến bộ nhanh chóng của Cách mạng công nghiệp 4.0.
Hội nghị cần xác định rõ tầm nhìn, mục tiêu, định hướng chiến lược đối với công cuộc hội nhập, từ đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch, chương trình hành động đối với từng lĩnh vực, đặc biệt là về các nội hàm cơ chế, chính sách, giải pháp cụ thể thúc đẩy hội nhập quốc tế chủ động, hiệu quả, bền vững, góp phần thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm 2016-2020 và chuẩn bị xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030...
Hội nghị cũng cần kiểm điểm hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia, các ban chỉ đạo liên ngành; đặc biệt lưu ý những hạn chế, tồn tại, việc tổ chức thực hiện để tập trung khắc phục, kiện toàn cơ cấu của Ban Chỉ đạo quốc gia và các ban chỉ đạo liên ngành nhằm triển khai nhiệm vụ tốt hơn thời gian tới.
Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin
Tham luận tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, với vị thế là Thủ đô của cả nước, thành phố Hà Nội đã triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, của Ban Chỉ đạo xây dựng kế hoạch triển khai toàn diện về công tác hội nhập quốc tế trên tất cả các lĩnh vực về an ninh, quốc phòng, kinh tế, văn hóa, giáo dục, thể thao; chủ động ngoại giao nhân dân, cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin; đặc biệt, coi trọng việc quảng bá hình ảnh thành phố Hà Nội, đất nước, đồng thời, chủ động hợp tác quốc tế trên nhiều lĩnh vực, góp phần thực hiện thành công mục tiêu hội nhập quốc tế, tăng cường phát triển kinh tế, cải thiện cơ sở hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Chủ tich UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tham luận tại hội nghị. |
Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động đối ngoại kết hợp với các hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá du lịch; xây dựng và triển khai các chương trình đối ngoại gắn chặt với hội nhập quốc tế, lấy hội nhập kinh tế làm trọng tâm, phấn đấu đưa Hà Nội trở thành một trung tâm quốc tế và khu vực trên những lĩnh vực có ưu thế cơ bản như du lịch, văn hóa, thể thao, kiến trúc, thời trang… kết hợp với đối ngoại chính trị, đối ngoại kinh tế, đối ngoại văn hóa… nhằm đẩy mạnh thu hút nguồn lực trong và ngoài nước để phục vụ cho phát triển kinh tế.
Đặc biệt, trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, với sự quyết tâm và nỗ lực của toàn thành phố, công tác hội nhập quốc tế của Hà Nội sẽ tiếp tục được đẩy mạnh nhằm khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, phát huy các lợi thế góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xứng đáng là thành phố xanh - văn hiến - văn minh và hiện đại.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh cho rằng, hội nhập quốc tế có bước chuyển biến lớn về chất trong nhận thức và hành động sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 22-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Đặc biệt, Việt Nam đã chuyển mạnh từ “tham dự” sang “chủ động tham gia, tích cực đóng góp, xây dựng, định hình các thể chế đa phương” và đăng cai, tổ chức thành công nhiều sự kiện quốc tế lớn như: Năm APEC 2017, Diễn đàn WEF ASEAN năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần hai và có nhiều sáng kiến hợp tác cụ thể, thiết thực tại các diễn đàn đa phương.
Hội nhập quốc tế được triển khai chủ động, tích cực, sâu rộng và toàn diện gắn chặt với việc phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó hội nhập kinh tế là trọng tâm và đã tranh thủ hiệu quả nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển.
Hội nhập trong lĩnh vực chính trị, an ninh, quốc phòng đã góp phần bảo đảm môi trường hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước. Hội nhập trong các lĩnh vực khác đã góp phần khẳng định và nâng cao vị thế của Việt Nam cũng như tranh thủ nguồn lực, cơ hội phục vụ các đột phá chiến lược, nhất là về phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng và cải cách thể chế.
Theo Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, hội nhập quốc tế đã trở thành sự nghiệp của toàn dân và của cả hệ thống chính trị với sự vào cuộc chủ động, tích cực của các bộ, ngành, địa phương doanh nghiệp và người dân trong các hoạt động hội nhập. Qua quá trình hội nhập, năng lực, trình độ và bản lĩnh của cán bộ, cơ quan, địa phương đã có những phát triển rất tích cực; hình ảnh đất nước, con người và tiềm năng phát triển của Việt Nam được bạn bè quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra các nhiệm vụ của hội nhập quốc tế trong thời gian tới với các trọng tâm. Cụ thể, hội nhập quốc tế là sự nghiệp của toàn dân, phải chú trọng hội nhập theo quy mô và tốc độ phù hợp năng lực và lợi ích của đất nước. Việt Nam phải phát huy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp, bứt phá mạnh mẽ của các doanh nghiệp, người dân để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng suất, chất lượng và ngày càng chủ động, tích cực hơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về hội nhập quốc tế phát biểu. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.