Chính trị

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025): Để thỏa lòng mong ước của Bác...

PGS.TS Trần Viết Lưu 19/05/2025 10:53

Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại muôn vàn tình thương yêu cho đồng bào, đồng chí. Trong Di chúc thiêng liêng, Người mong ước: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Giờ đây, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân “Quyết đem lá cờ bách chiến bách thắng của Hồ Chủ tịch tới đích cuối cùng”.

1. Giấc mơ lớn cần dựa vào nguồn lực lớn, trước hết là nguồn lực tinh thần, ý chí cách mạng và trí tuệ của người dân yêu nước, kết đoàn dưới lá cờ đỏ sao vàng và cờ đỏ búa liềm. Với việc đặt nền móng cho cách mạng Việt Nam của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đến nay, Đảng ta hoàn toàn tự tin, tự hào vì đã lãnh đạo nhân dân ta từng bước thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược.

Về chính trị, Đảng kiên định nền tảng tư tưởng theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mọi chủ trương, đường lối của Đảng đều được vận dụng sáng tạo bởi hệ thống lý luận mà Nguyễn Ái Quốc đã lựa chọn từ năm 1920, được cụ thể hóa vào hoàn cảnh lịch sử cách mạng Việt Nam từ trong quá trình vận động thành lập Đảng (điển hình trong tác phẩm “Đường kách mệnh”), được khởi thảo trong Chánh cương vắn tắt của Đảng, tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh hệ thống lý luận về đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhất là qua 40 năm đổi mới, hội nhập quốc tế.

cau-tu-lien.jpg
Phối cảnh cầu Tứ Liên, công trình được khởi công đúng dịp kỷ niệm 135 năm Ngày sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025) thể hiện khát vọng phát triển, quyết tâm trên con đường hiện thực hóa mong ước của Người. Ảnh: Chủ đầu tư

Thông qua đó, mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, với mô hình chủ nghĩa xã hội khoa học phù hợp điều kiện lịch sử của Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” được hiện thực hóa. Ngày nay, Đảng khởi xướng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, như một mệnh lệnh lịch sử trong thời đại mới, được Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh, kỷ nguyên thịnh vượng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của khu vực và thế giới, cho hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu”.

Kỷ nguyên mới đòi hỏi cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước, trong đó gương mẫu, đi đầu là Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, tập trung mọi nguồn lực đưa đất nước “cất cánh” tiến cùng văn minh nhân loại. Cuộc đại cách mạng về cải cách bộ máy tổ chức và hành chính theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả đang được thực hiện quyết liệt trên địa bàn Thủ đô cũng như toàn quốc, là bước đột phá mang đến kỳ vọng về sự phát triển mạnh mẽ của đất nước trong tương lai.

Về kinh tế, Đảng chủ trương chuyển mạnh từ kinh tế bao cấp sang kinh tế thị trường, nhưng không thả nổi, không buông bỏ vai trò điều tiết của Nhà nước, bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa, nhất quyết không vì tăng trưởng kinh tế mà hy sinh môi trường sống, biết lấy thành quả phát triển kinh tế để nâng cao tiềm lực quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội. Chú trọng kinh tế nhà nước, coi đó là huyết mạch của kinh tế quốc gia, có vai trò dẫn dắt kinh tế quốc gia, đồng thời, tái cấu trúc cơ cấu kinh tế theo hướng tạo lập không gian rộng mở khuyến khích kinh tế tư nhân, bảo đảm sự cân bằng đôi cánh của nền kinh tế trong thời hội nhập. Nghị quyết số 68-NQ/TƯ của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân được ban hành ngày 4-5-2025 là sự hoàn thiện quan điểm của Đảng trong đổi mới căn bản nền kinh tế, thực sự “cởi trói” thể chế, khai mở tiềm năng kinh tế tư nhân, phát huy nhiều hơn nữa sức sáng tạo của người dân để kinh tế Việt Nam tăng trưởng hai con số. Cùng với nghị quyết về kinh tế tư nhân, 3 nghị quyết mang tính đột phá khác được Bộ Chính trị ban hành từ đầu năm đến nay bao gồm Nghị quyết số 57-NQ/TƯ (về khoa học, công nghệ, chuyển đổi số), Nghị quyết số 59-NQ/TƯ (về hội nhập quốc tế), Nghị quyết số 66-NQ/TƯ (về cải cách thể chế) hợp thành “bộ tứ chiến lược” - hành trang trọn vẹn đưa đất nước cất cánh.

2. Chưa hết, về xã hội, Đảng vẫn nhất quán quan điểm coi con người là trung tâm của mọi sự phát triển, con người Việt Nam từ thân phận nô lệ trước Cách mạng Tháng Tám năm 1945 trở thành người dân một nước độc lập, có quyền làm chủ đất nước, tham gia vào mọi mặt đời sống chính trị của xã hội, kiến tạo và bảo vệ chế độ mới; được hưởng thành quả từ lao động, chiến đấu, hy sinh. Mặc dù chưa phải là nước giàu, song trong vòng 2 thập kỷ kể từ năm 1993, hơn 40 triệu người đã thoát cảnh đói nghèo; trong vòng 15 năm kể từ năm 2005, tỷ lệ nghèo đa chiều đã giảm một nửa.

Hướng tới kỷ nguyên mới, Chính phủ đang quyết liệt chỉ đạo cơ bản xóa nhà tạm, nhà dột nát trước ngày 31-10-2025, tạo nên nguồn cảm hứng cách mạng, giàu tính nhân văn, thể hiện đạo lý truyền thống “thương người như thể thương thân”. Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ đạo không thu học phí đối với trẻ mầm non, học sinh phổ thông từ năm học 2025-2026, tiếp tục góp phần quan trọng hiện thực hóa “ham muốn tột bậc” của Bác Hồ “dân ta ai cũng được học hành”. Đây cũng là quyết tâm của Đảng nhằm tạo tiền đề chính sách giáo dục, kịp thời chuẩn bị nguồn lực con người xứng tầm là chủ nhân trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Đảng, Nhà nước còn tập trung chỉ đạo thực hiện bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, mở rộng mạng lưới y tế từ tuyến cơ sở tới tuyến trung ương; chuẩn bị khám sức khỏe định kỳ miễn phí; hướng tới mục tiêu miễn viện phí… Đó còn là những quan tâm chỉ đạo của Trung ương và trực tiếp là Tổng Bí thư Tô Lâm nhằm phát huy bản sắc văn hóa, con người Việt Nam trong thời đại mới, chăm lo cho thế hệ trẻ - thế hệ của đất nước vươn mình, không chỉ mạnh về thể chất, giàu có về trí tuệ mà còn phong phú về tâm hồn... Tất cả đang gieo mầm động lực và niềm tin cho đồng bào cả nước.

Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Việt Nam đi từ không tới có, từ lực lượng sơ khai chỉ có 34 cán bộ, chiến sĩ Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, vũ khí thô sơ, nay sau hơn 80 năm đã có lực lượng Quân đội hùng mạnh, được bạn bè thế giới đánh giá là đội quân chính quy, hiện đại, có tinh thần và kỹ năng chiến đấu cao. Từ một lực lượng công an ra đời trong bối cảnh là những đội quân sơ khai “xích vệ đỏ” bảo vệ cách mạng những năm 1930-1931, đặc biệt là hình thành ngay trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đến nay, lực lượng Công an nhân dân thực sự là một trong hai lá chắn bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, chế độ và nhân dân.

Hiện nay, Đảng chủ trương xây dựng thế trận lòng dân, đó là sự tiếp biến lịch sử về truyền thống “Dân là gốc”. Từ một nước không có trên bản đồ thế giới, không có vị thế trên trường quốc tế, nay trở thành một quốc gia hội nhập sâu rộng vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa toàn cầu, được tín nhiệm giữ nhiều trọng trách trong Liên hợp quốc.

***

Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhìn lại hành trình của cách mạng Việt Nam đến nay, mỗi người yêu nước đều ngẩng cao đầu báo cáo trước anh linh của Người: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc là bước chạy bứt tốc về đích, hiện thực hóa ham muốn tột bậc, khát vọng cháy bỏng của Người; toàn thể dân tộc Việt Nam đã và đang noi gương Người, phấn đấu bền bỉ, kiên cường, vững bước đưa dân tộc bước tới đài vinh quang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890-19/5/2025): Để thỏa lòng mong ước của Bác...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.