(HNM) - Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã ban hành công văn khẩn về việc đình chỉ và thu hồi gần 2.100 loại mỹ phẩm chứa 5 dẫn chất của paraben kể từ ngày 31-7. Tuy nhiên, trên thực tế, thật khó có thể loại bỏ các loại mỹ phẩm nói trên ra khỏi thị trường nếu công tác hậu kiểm không được tiến hành chặt chẽ.
Thương hiệu lớn cũng có sản phẩm bị thu hồi
Theo danh sách mà Cục Quản lý dược đã công bố, có 2.091 loại mỹ phẩm nhập khẩu bị thu hồi, trong đó có cả những sản phẩm nhập khẩu mang nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Shiseido, Dior, The Face Shop, Givenchy, Kenzo, Tenamyd, L'oreal, Essence, Tigi, Laneige, Lancôme, Babor, The Body Shop... Ngoài ra, trong danh sách mỹ phẩm thuộc diện bị thu hồi còn có 142 sản phẩm được sản xuất ở trong nước, trong đó có những loại hiện được nhiều phụ nữ ưa chuộng như kem trắng sáng da Topcare, kem nghệ Thorakao, kem siêu trắng thảo dược thiên nhiên LaCosmé, kem chống nám mụn tàn nhang Nivia, lăn khử mùi Kevin, nước hoa hồng Fendy...
Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, thu giữ các loại mỹ phẩm kém chất lượng. Ảnh: Chí Tưởng |
Trước đó 4 tháng, Cục Quản lý dược đã có thông báo đưa 5 dẫn chất paraben (gồm Isopropylparaben, Isobutylparaben, Phenylparaben, Benzylparaben và Pentylparaben) vào danh mục các chất cấm, không được dùng trong mỹ phẩm, có hiệu lực từ ngày 31-7-2015. Cơ quan này cũng đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn tiến hành thu hồi các sản phẩm mỹ phẩm nêu trên, đồng thời tiến hành thu hồi tất cả các sổ tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm trong thành phần công thức có chứa 5 dẫn chất paraben do Sở Y tế đã cấp cho các tổ chức, cá nhân đứng tên.
Các chuyên gia về dược học cho biết, paraben là tên viết tắt của axit para-hydroxybenzoic, lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1930 và cho đến nay là một trong những chất bảo quản duy trì tính toàn vẹn của sản phẩm, đồng thời bảo vệ mỹ phẩm trước sự phát triển của các loại nấm mốc cũng như vi khuẩn, đặc biệt là những loại mỹ phẩm thường xuyên được đặt trong môi trường nóng ẩm như nhà tắm. Tuy nhiên, từ năm 1998, sự nghi ngờ các chất paraben có trong mỹ phẩm là tác nhân gây ung thư đã xuất hiện tại các nước Châu Âu, khi các nhà khoa học phát hiện các dẫn chất này có trong tế bào ung thư vú của những người phụ nữ sử dụng mỹ phẩm. Ngày 18-9-2014, Ủy ban mỹ phẩm Cộng đồng Châu Âu đã đưa 5 dẫn chất paraben vào danh mục các chất không được dùng trong mỹ phẩm. Tuy nhiên, Hội đồng khoa học Châu Âu lại tuyên bố, đến thời điểm hiện tại không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định các dẫn chất paraben trên không an toàn nếu dùng với nồng độ giới hạn cho phép.
Dù vậy, theo ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế), để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng, Ủy ban mỹ phẩm Cộng đồng Châu Âu đã cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, quyết định đưa ra quy định thay thế chất bảo quản khác an toàn hơn paraben và bổ sung vào các phụ lục trong Hiệp định của Liên minh Châu Âu. Sau đó, Hội đồng mỹ phẩm ASEAN đã cập nhật quy định mới về các chất nêu trên, đồng thời khuyến cáo ngừng sử dụng các dẫn chất nguy hiểm.
Theo Cục Quản lý dược, doanh nghiệp có sản phẩm bị thu hồi phải chịu trách nhiệm thông báo cho hệ thống phân phối và người tiêu dùng biết, nếu cố tình tiêu thụ sản phẩm trong diện bị thu hồi thì doanh nghiệp đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. Các tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm ra thị trường phải thực hiện việc thu hồi sản phẩm theo quy định. Khi tiêu hủy mỹ phẩm, các đơn vị phải bảo đảm tuân thủ quy định về bảo vệ môi trường. |
Xử lý nghiêm sai phạm
Cũng theo ông Nguyễn Tất Đạt, sau ngày 31-7-2015, nếu phát hiện các tổ chức, cá nhân không chấp hành nghiêm túc việc thu hồi sản phẩm mỹ phẩm có chứa dẫn chất paraben, cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm theo pháp luật. "Cục Quản lý dược vừa áp dụng việc công bố lưu hành sản phẩm qua internet nhằm kiểm soát thành phần sản phẩm hiệu quả hơn. Sau khi sản phẩm lưu hành, nếu doanh nghiệp cố tình sử dụng paraben và các chất bị cấm trong sản phẩm thì ngoài việc bị phạt tiền, họ sẽ phải chịu hình phạt bổ sung là rút chứng nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm, thu hồi, ngừng lưu hành sản phẩm", ông Nguyễn Tất Đạt cho biết.
Tuy vậy, theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, ngay tại thời điểm quy định nói trên chính thức có hiệu lực, những loại mỹ phẩm nằm trong danh sách bị thu hồi vẫn tràn ngập trên thị trường, nhân viên bán hàng và người tiêu dùng tỏ ra thờ ơ trước thông tin mà cơ quan quản lý đưa ra. Cụ thể, tại một quầy hàng mỹ phẩm nằm trong Trung tâm thương mại Savico Megamall (đường Nguyễn Văn Linh, quận Long Biên - Hà Nội), các sản phẩm Thorakao đã bị cấm lưu hành (như kem nghệ, kem dưỡng trắng da sữa dê...) của Công ty TNHH Sản xuất mỹ phẩm Lan Hảo vẫn được bày đầy trên kệ. Tại cửa hàng mỹ phẩm Minh Thu III trên đường Ngọc Lâm (quận Long Biên, Hà Nội), nhân viên bán hàng nói rằng mình không hề biết về thông báo thu hồi một số loại mỹ phẩm gây hại cho người tiêu dùng. Tại một cửa hàng mỹ phẩm khác nằm trên phố Hàng Đào (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), khi được hỏi, một khách hàng đang chọn mua kem dưỡng da nói rằng chị hoàn toàn không biết gì về thông tin thu hồi trong các loại mỹ phẩm có sử dụng chất bảo quản paraben. Vị khách này thường mua mỹ phẩm ở những địa chỉ có tên tuổi nhưng chưa bao giờ để ý đến thành phần ghi trên vỏ sản phẩm. Trong khi đó, nhiều trang web vẫn quảng cáo và rao bán những loại mỹ phẩm đã có quyết định thu hồi...
Theo PGS. TS Lê Văn Truyền, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp về dược học của Bộ Y tế, hiện vẫn có nhiều chất bảo quản không gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, có thể dùng để thay thế cho paraben. Chính vì vậy, nhà sản xuất cần có kế hoạch chủ động loại trừ paraben ra khỏi sản phẩm của mình. Mặt khác, sau khi có quyết định cho phép lưu hành sản phẩm, các cơ quan quản lý cần tăng cường khâu hậu kiểm để xác định các thành phần ghi trên nhãn có đúng như công bố của nhà sản xuất hay không. Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cần tạo thói quen xem kỹ thành phần mỹ phẩm trước khi chọn mua hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.