An toàn thực phẩm

Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm rượu thủ công

Ngọc Quỳnh 09/11/2024 - 07:01

Từ nay đến cuối năm, nhu cầu tiêu dùng các loại rượu, bia tăng cao, nhưng ở các vùng nông thôn việc sử dụng rượu thủ công, không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thực phẩm, gây hại sức khỏe người tiêu dùng.

Do đó, các địa phương của thành phố Hà Nội đang đẩy mạnh tuyên truyền và kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh rượu thủ công ở các cơ sở, kịp thời xử lý trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.

ruou-thu-cong.jpg
Một cơ sở sản xuất rượu thủ công tại xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng). Ảnh: Hương Giang

Tiềm ẩn nguy cơ gây hại sức khỏe

Rượu thủ công chủ yếu do các hộ dân tự làm, hầu hết chưa có quy chuẩn nhất định về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Gia đình chị Nguyễn Thị Sinh ở xã Phú Túc (huyện Phú Xuyên) nấu rượu nhiều năm qua. Hiện nay, gia đình chị phát triển nghề nấu rượu thủ công. Toàn bộ lượng rượu nấu ra đều có khách quen đến đặt mua tại nhà. Trung bình mỗi ngày gia đình chị bán ra thị trường 40-50 lít rượu.

Là một trong những người sử dụng rượu nấu thủ công, ông Nguyễn Văn Học ở xã Phương Trung (huyện Thanh Oai) chia sẻ: “Từ nhiều năm nay, tôi vẫn sử dụng rượu nấu thủ công của người dân trên địa bàn. Dù không có tem nhãn mác, nhưng chỗ người quen nấu nên vẫn yên tâm về chất lượng và giá cả hợp lý”. Thực tế cho thấy, tình trạng nấu rượu thủ công vẫn xuất hiện ở các vùng nông thôn. Nhưng tại các quán nước hay quán ăn trên phố vẫn có thể mua loại rượu nấu thủ công với giá khoảng 50.000-60.000 đồng/lít. Do đó, thời gian qua, các vụ ngộ độc rượu vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

Trưởng phòng Y tế thị xã Sơn Tây Phạm Hùng Sơn cho biết, trên địa bàn thị xã có 108 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đó, có 7 cơ sở sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh; sản lượng sản xuất 50.000 lít/năm; 36 cơ sở kinh doanh bán lẻ rượu; 65 cơ sở bán lẻ rượu tiêu dùng tại chỗ. Hiện nay, việc quản lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công còn khó khăn do các hộ này nấu rượu chủ yếu bán lẻ quanh thôn, xóm, số lượng không đáng kể, chỉ nấu theo kinh nghiệm, chưa bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì vậy, khó yêu cầu các cá nhân này thực hiện đầy đủ thủ tục hành chính theo quy định về sản xuất, kinh doanh rượu.

Tương tự, tại huyện Hoài Đức có 155 cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công. Trong đó, số cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có nồng độ cồn trên 5,5 độ là 119 cơ sở; sản lượng sản xuất 11.000 lít/năm; 36 cơ sở bán lẻ rượu; 28 cơ sở bán rượu tiêu dùng tại chỗ được phân bố ở 20 xã, thị trấn trên địa bàn. Tuy nhiên, phần lớn cơ sở sản xuất rượu thủ công có quy mô nhỏ lẻ, nằm rải rác trong các khu dân cư, sử dụng chính diện tích nhà ở để sản xuất; sản xuất không thường xuyên, không thực hiện đăng ký hộ kinh doanh, điều kiện kinh tế còn hạn chế nên chưa tự giác nộp hồ sơ xin cấp phép sản xuất rượu thủ công theo quy định.

Ngăn chặn sử dụng rượu không rõ nguồn gốc

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nguyên nhân của ngộ độc rượu là do lạm dụng rượu, uống rượu vượt quá mức chấp nhận của cơ thể, do sử dụng rượu không bảo đảm an toàn thực phẩm như: Uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol hoặc ethylene glycol; do uống rượu ngâm với thảo mộc (như lá, rễ, hạt cây), hoặc ngâm với động vật...

Để bảo đảm sức khỏe người tiêu dùng và hạn chế tình trạng sử dụng rượu nấu thủ công không rõ nguồn gốc xuất xứ, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, từ nay đến cuối năm, huyện tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm bày bán, lưu thông trên địa bàn. Qua đó, phát hiện sớm, truy xuất triệt để nguồn gốc vi phạm; kiên quyết xử lý các vi phạm, nhất là hành vi làm giả, làm nhái, sử dụng nguyên liệu bị cấm trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và công khai vi phạm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông; yêu cầu các đơn vị, người dân không sử dụng rượu không dán tem, không bảo đảm nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

Bên cạnh đó, huyện Thanh Oai tiếp tục thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin nhằm nâng cao nhận thức về tác hại của rượu; trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, nghiêm cấm hành vi sản xuất rượu sử dụng nguyên liệu cấm, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, rượu không bảo đảm an toàn.

Việc quản lý tốt sản xuất rượu thủ công không chỉ giúp tăng nguồn thu thuế cho ngân sách, mà còn giúp tạo ra sản phẩm rượu có chất lượng, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Sở Công Thương Hà Nội tiếp tục điều tra, ngăn chặn việc sử dụng, lưu thông sản phẩm rượu nêu trên trên địa bàn. Cùng với đó, ngành Y tế phối hợp với ngành Công Thương và chính quyền địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công; ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn mác có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường. Đồng thời, tăng cường thông tin, truyền thông, hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu, bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu.

Người dân tuyệt đối không sử dụng các loại động vật, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường giám sát an toàn thực phẩm rượu thủ công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.