(HNMO) - Tuần qua, hội thảo “Tiếp cận hiện nay đối với các thách thức lâm sàng trong ung thư vú” do tập đoàn dược phẩm và chế phẩm sinh học Pfizer tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với sự tham dự của gần 300 chuyên gia đến từ khắp các tỉnh thành trên cả nước.
Việt Nam hiện thuộc nhóm 2 trong “bản đồ ung thư” thế giới với trung bình 125.000 ca ung thư mới được ghi nhận hàng năm. Trong đó, ung thư vú có tỷ lệ mắc mới cao, bên cạnh những loại ung thư phổ biến khác như ung thư dạ dày, gan, phổi và đại trực tràng. Điều này đang trở thành gánh nặng cho xã hội và đặt ra nhiều áp lực cho đội ngũ y tế trong quá trình chăm sóc và điều trị.
Nhiều thách thức lâm sàng trong điều trị cho bệnh nhân ung thư vú, đặc biệt là với các kiểu hình lâm sàng và phân nhóm sinh học khác nhau của ung thư vú, đã được thảo luận trong buổi hội thảo. Bên cạnh những phương pháp điều trị mới, hóa trị hỗ trợ vẫn là lựa chọn trong đa số trường hợp.
Tầm quan trọng của thực hành bảo đảm an toàn và phòng ngừa phơi nhiễm hóa trị cho đội ngũ y tế cũng được nhấn mạnh. Theo cảnh báo của Viện An toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH), việc tiếp xúc thường xuyên với thuốc hóa trị gây độc tế bào khi điều trị cho bệnh nhân có thể dẫn đến những nguy cơ cho nhân viên y tế như nổi mẩn da, vô sinh, sảy thai, dị dạng thai, bệnh bạch cầu, thậm chí là ung thư.
Trên thực tế, ngay cả trong điều kiện các bước thực hành y khoa được tuân thủ, nhân viên y tế vẫn đối mặt với những nguy cơ khác như trượt kim, rơi bể làm thuốc bắn vào cơ thể, dẫn đến các tác hại nghiêm trọng với sức khỏe do phơi nhiễm thuốc hóa trị.
Giảm thiểu các sự cố phơi nhiễm hóa trị đòi hỏi cần áp dụng các biện pháp ngăn ngừa, kiểm soát toàn diện. Quá trình cải tiến này vừa phải bảo đảm hiệu quả thuốc, vừa phải tăng cường tính an toàn khi sử dụng đối với cả bệnh nhân và nhân viên y tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.