Ngày 5-11, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố phối hợp Sở Y tế và Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, tổ chức truyền thông, tư vấn cách tầm soát, phòng bệnh ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho cán bộ hội viên phụ nữ huyện Thanh Trì.
Hiện nay, ung thư vú, ung thư cổ tử cung là căn bệnh ung thư gây tử vong hàng đầu ở nữ giới. Theo thống kê của tổ chức ung thư toàn cầu, tại Việt Nam, mỗi năm có 21.555 ca mắc mới ung thư vú, với 9.345 ca tử vong; 27,6% trường hợp ung thư vú phát hiện ở giai đoạn muộn (giai đoạn 3, 4); tỷ lệ tái phát chiếm 30%. Còn với ung thư cổ tử cung, trung bình mỗi năm có hơn 5.000 ca mắc mới và khoảng 2.400 phụ nữ tử vong. Nguyên nhân chính của các tình trạng này là do phụ nữ chưa được khám sàng lọc định kỳ.
Đáng nói, ung thư vú, ung thư cổ tử cung là căn bệnh có tỷ lệ chữa khỏi lên đến 90% nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp; phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi cao, chi phí điều trị thấp. Tuy nhiên, ghi nhận từ thực tế cho thấy, vẫn còn một tỷ lệ cao chị em chưa chủ động trong việc khám sàng lọc bệnh dẫn tới phát hiện bệnh muộn, để lại di chứng nặng nề về sức khỏe; ảnh hưởng tới hạnh phúc gia đình và tạo gánh nặng y tế cho xã hội.
Phát biểu tại chương trình, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết: Hằng năm, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Hà Nội đã triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe sinh sản, dinh dưỡng, phòng, chống dịch bệnh, khám bệnh, cấp, phát thuốc miễn phí cho hội viên, phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ đơn thân, khuyết tật, nữ lao động nhập cư… Tại các quận, huyện, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố cũng triển khai nhiều buổi tư vấn, truyền thông về chăm sóc sức khỏe.
“Chương trình truyền thông tư vấn tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung được tổ chức tại Thanh Trì là buổi truyền thông thứ 4, trong chuỗi sự kiện thực hiện Kế hoạch 124/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội về tầm soát, phát hiện sớm ung thư vú, ung thư cổ tử cung cho phụ nữ trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2022-2025 tại 18 huyện, thị xã trên địa bàn thành phố (từ tháng 10-12-2023). Qua đó, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, phụ nữ và cộng đồng về ung thư vú, ung thư cổ tử cung cũng như tầm quan trọng của việc chủ động phát hiện sớm để kịp thời điều trị bệnh”, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết.
Theo kế hoạch, có 32.500 phụ nữ trên toàn thành phố được khám tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung. Riêng tại huyện Thanh Trì, 1.700 chị em tại 7 xã trên địa bàn được khám tầm soát ung thư vú, ung thư cổ tử cung, kịp thời phát hiện và điều trị sớm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.