Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường các giải pháp giảm thiểu các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

Thanh Hải| 04/06/2016 11:39

(HNMO)- Ngày 4/6, tại Lào Cai, Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) phối hợp với Sở TN&MT tỉnh Lào Cai tổ chức hội thảo khởi động Dự án “trình diễn áp dụng phương pháp BAT/BEP trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stokholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy”.


Phát biểu tại hội thảo, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng tại Việt Nam, hoạt động đốt ngoài trời các phế phẩm nông nghiệp, đốt tại bãi rác ngoài trời, đốt chất thải sinh hoạt, cháy rừng... tại các làng nghề và các khu vực nông thôn thường gây ra các vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, bao gồm các nguồn phát sinh các chất Dioxin/Furan, các chất POP mới và các chất gây ô nhiễm khác.

Theo số liệu của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc về cập nhật kết quả kiểm tra quốc gia, phát thải Dioxin/ Furan trung bình 22,6g TEQ/ năm trong 6 năm (2007 – 2012) trong các hoạt động đốt ngoài trời. Tổng phát thải Dioxin từ các ngành công nghiệp khác nhau và làng nghề tại Việt Nam ước đạt 564,4g TEQ/ năm. Trong khi đó cả nước có khoảng 3.355 làng nghề, trong đó Chính phủ mới công nhận 1.318 còn lại 2.037 làng nghề chưa được công nhận. Tuy nhiên, Việt Nam hiện không có quy định cụ thể về quản lý hoạt động ngoài trời, đặc biệt đối với các hoạt động tái chế tại các làng nghề.

Vì vậy, Dự án “Trình diễn áp dụng phương pháp kỹ thuật tốt nhất hiện có (BAT) và kinh nghiệm môi trường tốt nhất (BEP) trong hoạt động đốt ngoài trời nhằm thực hiện Công ước Stockhom về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP) được xây dựng và triển khai nhằm mục tiêu giảm phát thải các chất hữu cơ hình thành không chủ đích (UPOP) từ các hoạt động đốt ngoài trời tại làng nghề.

Dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ, ủy thác thông Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hợp quốc. Dự án sẽ được triển khai tại 5 quốc gia gồm Phillippine, Lào Campuchia, Mông Cổ và Việt Nam với tổng kinh phí hơn 7,5 triệu USD, phía Việt Nam được tài trợ hơn 1,5 triệu USD. Tại Việt Nam, Tổng cục Môi trường là đơn vị thực hiện dự án với thời gian là 5 năm. Mục tiêu cụ thể của dự án hướng tới là việc tăng cường khung pháp lý trong việc xây dựng và áp dụng BAT/ BEP trong hoạt động đốt ngoài trời; tăng cường năng lực thể chế và nguồn nhân lực để triển khai thực hiện BAT/ BEP trng hoạt động đốt ngoài trời. Đồng thời, dự án cũng hướng tới việc sẽ trình diễn hiệu quả áp dụng BAT/ BEP trong quản lý chất thải và đốt ngoài trời tại khu vực tiểu thủ công nghiệp làng nghề.

Tham dự hội thảo, các đại biểu tham dự cũng cho rằng các hoạt động đốt ngoài trời thường diễn ra tại các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt, đặc biệt là bãi rác nhỏ, các điểm tập kết chất thải sinh hoạt hoặc hiện tượng tự cháy phát sinh tại các bãi rác không có kiểm soát. Vì vậy, để giảm thiểu tình trạng này, trong thời gian tới cần có hướng dẫn các địa phương tổ chức xây dựng kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý đối với các chủ nguồn thải có khối lượng phát sinh nhỏ, chủ nguồn thải ở vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tăng cường năng lực cho các cơ quan đơn vị quan trắc Dioxin/ Furan, tiến tới yêu cầu giám sát Dioxin/ Furan đối với các lò đốt chất thải nguy hại và lò đốt chất thải sinh hoạt khi năng lực các phòng thí nghiệm được nâng cao...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường các giải pháp giảm thiểu các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.