Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng cường biện pháp giảm tải tại các cơ sở tiêm chủng

Thanh Hương| 09/07/2014 18:48

(HNMO) – Những ngày qua, tình trạng quá tải xảy ra tại các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa Hà Nội. Trước thực tế đó, Bộ Y tế đã đưa ra một số biện pháp bằng cách yêu cầu sở Y tế các tỉnh, thành phố Trung ương chỉ đạo các đơn vị liên quan bố trí thêm các bàn tiêm chủng, tăng thêm giờ tiêm chủng, “kéo” người dân sang tiêm chủng mở rộng…

Hình ảnh quá tải tại một cơ sở tiêm chủng dịch vụ ở Hà Nội. Ảnh; VietNamNet


Sau một thời gian dài gián đoạn do thiếu vắc xin “5 trong 1” ngừa bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và Hib, vài ba ngày qua các điểm tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm loại vắc xin này trở lại. Chính vì vậy, các bậc cha mẹ đã đổ xô đưa con đi tiêm gây quá tải cục bộ.

Tại các điểm tiêm chủng dịch vụ như Trung tâm y tế dự phòng 70 Nguyễn Chí Thanh, Trung tâm tiêm phòng số 35 Trần Bình hay điểm tiêm chủng dịch vụ ở phố Lò Đúc, mới sáng ra đã đông nghịt các ông bố bà mẹ đưa con đi tiêm. Có nơi người dân xếp hàng để đăng ký nhưng có điểm không ít người chen lấn, xô đẩy, tìm mọi cách để đăng ký cho con được 1 suất tiêm vắc xin. Nhiều gia đình dù 8h đã có mặt nhưng phải chưng hửng ra về do đã hết số. Vì vậy, để chắc chắn con được tiêm, hôm sau có gia đình đã cử 1 thành viên ngay từ 5h sáng đã có mặt ở điểm tiêm chủng chờ để lấy số. Hay buổi chiều, 1h30 điểm tiêm chủng mới làm việc nhưng nhiều người không tiêm được buổi sáng đã cố ở lại xếp hàng để chờ lấy số cho buổi chiều. Nhìn cảnh tượng các cha mẹ mệt mỏi chờ đợi, ai lấy đều ngán ngẩm.

Nguyên nhân quá tải tại các điểm tiêm chủng dịch vụ được cho là sau khi những sự cố liên quan đến vắc xin Quinvaxem xảy ra, người dân muốn cho con tiêm ở những nơi phải trả tiền thì mới yên tâm. Bên cạnh đó, thời gian trước, cũng sau sự cố với một số trường hợp tiêm vắc xin Quinvaxem, nhiều bậc cha mẹ đã thờ ơ trong việc cho con đi tiêm chủng nhưng dịch sởi vừa qua phát triển mạnh đã khiến họ nhận thấy tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất cho con em mình nên đã chú trọng đến việc này hơn; vì thế nhu cầu tiêm vắc xin “5 trong 1” nói chung và các loại vắc xin phòng bệnh khác tăng lên. Sức cầu về vắc xin thay đổi như vậy khiến việc lập dự trừ vắc xin khó sát với thực tế, xảy ra tình trạng khan vắc xin.

Tại buổi thông tin về tình hình dịch bệnh do Bộ Y tế tổ chức chiều 9/7, trả lời các câu hỏi liên quan đến quá tải tại các cơ sở chủng dịch vụ những ngày qua, đại diện Cục quản lý dược (Bộ Y tế) cho biết, khác với thuốc, việc nhập khẩu vắc xin mất nhiều thời gian. Trước khi nhập về, doanh nghiệp phải đăng ký số lượng vắc xin với bên sản xuất để họ sản xuất. Sau khi sản xuất, vắc xin phải được kiểm định tại quốc gia sản xuất, về đến Việt Nam, vắc xin lại một lần nữa được kiểm tra, nếu đạt yêu cầu mới cho lưu hành. Vì mất nhiều thời gian nên việc dự trù là rất quan trọng.

Theo đại diện trên, thời gian tới vắc xin 5 trong 1 sẽ dồi dào bởi ngoài việc ngày 23/6 Công ty TNHH tư vấn đầu tư và TM Hồng Thúy đã nhập khẩu 12.000 liều vắc xin PENTAXIM (5 trong 1) thì dự kiến ngày 20/7tới, công ty sẽ nhập khẩu tiếp 10.000 liều và tháng 9/2014 nhập khẩu thêm 23.000 liều. Cũng ngày 23/6, Công ty Cổ phần Dược Mỹ phẩm May đã nhập khẩu 15.000 liều; dự kiến ngày 10/8 nhập khẩu tiếp 12.000 liều.

PGS. TS Trần Đắc Phu-Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho hay, hiện tiêm chủng dịch vụ chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM, các tỉnh, thành khác đều tiêm chủng mở rộng. Ông khuyến cáo, việc tiêm vắc xin là cần thiết. Trước tiên nên tiêm vắc xin ở chương trình mở rộng làm cơ bản. Người dân không nên lo lắng vắc xin của chương trình này kém chất lượng bởi khi được đưa ra thị trường, vắc xin luôn được kiểm định đảm bảo về chất lượng.

Trước việc quá tải tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, để đáp ứng nhu cầu tiêm chủng của nhân dân, giảm tải hiện tượng quá tải cục bộ tại một số cơ sở tiêm chủng dịch vụ, Bộ Y tế yêu cầu giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố chỉ đạo bổ sung nhân lực, trang thiết bị tại các cơ sở tiêm chủng để phục vụ tốt nhất nhu cầu của người dân. Cụ thể, bố trí thêm các bàn tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng hợp lý, tăng thêm giờ tiêm chủng để tạo thuận lợi cho người dân đến tiêm chủng; đồng thời nghiên cứu mở thêm các cơ sở tiêm chủng dịch vụ thuộc Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn nếu cần thiết.

Bộ Y tế cũng yêu cầu chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng chủ động đặt hàng các nhà cung ứng kịp thời, lập kế hoạch dự trù vắc xin đáp ứng đủ nhu cầu của người dân, tránh để xảy ra tình trạng thiếu vắc xin cục bộ ở một số điểm tiêm chủng.

Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích để “kéo” người dân sử dụng vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (tương đương với vắc xin dịch vụ) để trẻ em được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch cũng là biện pháp mà Bộ Y tế đề cập nhằm giảm tải tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường biện pháp giảm tải tại các cơ sở tiêm chủng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.