(HNM) - Bộ trưởng Tài chính Olaf Scholz 63 tuổi đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, với cam kết duy trì sự ổn định và vị thế của nước Đức, đồng thời công bố danh sách nội các liên bang mới, gồm 16 vị trí. Sự kiện này được giới quan sát đánh giá sẽ “mở ra một kỷ nguyên mới cho chính trường Đức và nền kinh tế số một châu Âu”.
Với 395 phiếu ủng hộ trên tổng số 707 phiếu, Quốc hội Đức trong phiên họp đặc biệt ngày 8-12 đã bầu lãnh đạo đảng Dân chủ xã hội (SPD) Olaf Scholz làm Thủ tướng. Ngay sau đó, tân Thủ tướng đã tuyên thệ nhậm chức, nhấn mạnh sẽ kế thừa những di sản người tiền nhiệm Angela Merkel để lại, cũng như triển khai những cách làm mới để duy trì sự ổn định và vị thế của nước Đức.
Trong bốn năm nhiệm kỳ, Thủ tướng thứ 9 của Đức sẽ lãnh đạo liên minh chính trị “chưa từng có”, bao gồm đảng SPD, đảng Dân chủ Tự do (FDP) và đảng Xanh. Thỏa thuận liên minh mang tên “Dám tiến bộ hơn nữa” đã được lãnh đạo các đảng ký kết tại buổi lễ ở Berlin. Trong danh sách nội các liên bang mới, một gương mặt đáng chú ý là ông Wolfgang Schmidt, thành viên SPD, người được xem là “cánh tay phải đắc lực” của Thủ tướng, đảm nhận vị trí Chánh Văn phòng Chính phủ.
Về phía đảng Xanh, nổi bật là Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Robert Habeck và Ngoại trưởng Annalena Baerbock. Các thành viên nội các là người của FDP gồm: Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner, Bộ trưởng Tư pháp Marco Buschmann, Bộ trưởng Giáo dục và Nghiên cứu Bettina Stark-Watzinger.
Với việc đạt được sự hài hòa cả về giới tính và đảng phái, bộ máy chính phủ mới nhận được sự ủng hộ lớn của người dân Đức. Hiện nay, Đức đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, đặc biệt là việc ứng phó với đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, ưu tiên hơn hết là cuộc cách mạng của nền kinh tế Đức thông qua hiện đại hóa cơ sở hạ tầng và từ bỏ nhiên liệu hóa thạch vào năm 2030, sớm hơn 8 năm so với lộ trình của chính phủ tiền nhiệm.
Ở góc độ khu vực, chính phủ mới của Đức được quốc tế quan tâm trong bối cảnh quan hệ giữa các cường quốc có nhiều bất ổn. Do đó, việc nắm quyền lãnh đạo quốc gia “xương sống” của Liên minh châu Âu (EU) đồng nghĩa Thủ tướng O.Scholz phải đối mặt với thách thức to lớn trong việc kế thừa vai trò đại diện châu Âu trên trường quốc tế. Những trọng trách này đã được người tiền nhiệm A.Merkel thực hiện rất hiệu quả. Tân Thủ tướng Đức hiện đã có kế hoạch thực hiện những chuyến thăm đầu tiên tới Paris (Pháp) và Brussels (Bỉ), nhằm bảo đảm xây dựng một “châu Âu an toàn và có chủ quyền”.
Nỗ lực gắn kết khu vực và duy trì vị thế quốc tế của Đức được giới quan sát đánh giá sẽ có nhiều thuận lợi. Không chỉ nhờ uy tín tạo dựng được trong thập kỷ qua giúp Berlin nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, bản thân Thủ tướng O.Scholz cũng có quan hệ rất tốt với giới chức các nước nhờ những thành tựu trong sự nghiệp chính trị của ông.
Ngay sau lễ nhậm chức của ông O.Scholz, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã gửi lời chúc mừng đến tân Thủ tướng Đức, cho biết bà mong được làm việc với ông O.Scholz vì một EU mạnh hơn. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông qua mạng xã hội đã gửi lời chúc đến tân Thủ tướng O.Scholz, khẳng định hai nước sẽ “cùng nhau viết nên chương tiếp theo trong lịch sử châu Âu”. Về phần mình, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết muốn có “mối quan hệ mang tính xây dựng” với ông O.Scholz, đồng thời bày tỏ hy vọng quan hệ hai nước sẽ tiếp tục phát triển.
Với quan điểm và nhiều nét tương đồng với người tiền nhiệm Angela Merkel, người dân Đức hy vọng tân Thủ tướng Olaf Scholz và chính phủ của ông sẽ đưa nước Đức vượt mọi khó khăn, duy trì vị thế cường quốc hàng đầu của châu Âu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.