Doanh nghiệp

Tân Mỹ Design - Đại sứ văn hóa Việt

Mỹ Hảo 17/02/2024 - 10:26

Thương hiệu Tân Mỹ Design và địa chỉ 61, 66 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) là điểm đến quen thuộc của các vị đại sứ và phu nhân, khách du lịch nước ngoài mỗi khi tới Hà Nội.

Cách đây 6 năm, Sở Du lịch Hà Nội đã trao chứng nhận cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cho Công ty TNHH Thiết kế thời trang Tân Mỹ (Tân Mỹ Design) tại 61 Hàng Gai.

tan-my.jpg
Bà Jenny Morrison, phu nhân Thủ tướng Australia (áo trắng) đã lựa chọn Tân Mỹ Design để mua sắm những món quà lưu niệm. Ảnh: NVCC

Duyên nghề

Năm 1969, bà Bạch Thị Ngải, nghệ nhân làng lụa Vạn Phúc, đã bắt đầu làm nghề thêu khăn tay và gối tại căn hộ nhỏ 20m2, nằm trong ngõ 109 Hàng Gai (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Sản phẩm ban đầu chính là những cánh chim bồ câu, cành mai, đào cùng những dòng chữ “Hạnh phúc trăm năm”, “Thủy chung”, “Đợi chờ anh”... Rất nhiều người Hà Nội tổ chức đám cưới thời đó còn nhớ mãi chiếc vỏ gối độc đáo của đêm tân hôn được thêu bằng chính bàn tay tài hoa của bà Bạch Thị Ngải.

Theo năm tháng, “tiếng lành đồn xa”, thương hiệu sản phẩm thêu tay tinh xảo của bà Bạch Thị Ngải (còn gọi là cụ Tân Mỹ) đã vượt ra khỏi khu phố cổ, lan tỏa ra khắp miền Bắc. Trợ thủ đắc lực của bà Ngải chính là con gái Đỗ Thanh Hương, ngoài giờ đi học đã cùng mẹ tham gia tất cả các công đoạn của sản phẩm truyền thống gia đình, giúp mẹ cùng đào tạo đội ngũ thợ lành nghề.

Trong hơn nửa thế kỷ phát triển của thương hiệu Tân Mỹ Design (Vẻ đẹp mới), không thể không nhắc đến sự kiện được coi là duyên lành từ những ngày đầu thành lập. Khi đó, bà Melba Hernandes, Đại sứ Cuba tại Việt Nam đã đến Hàng Gai tham quan. Ngưỡng mộ sự tài hoa của nghệ nhân Bạch Thị Ngải, bà đã mua trọn gói từ quần áo tới chăn, ga gối... để chuẩn bị cho thiên thần nhỏ của mình chào đời.

Từ đó, Tân Mỹ vinh dự trở thành điểm đến của nhiều đại sứ, các đoàn ngoại giao và trở thành địa chỉ quen thuộc của các nguyên thủ quốc gia, thành viên hoàng tộc các nước tới tham quan, mua các món quà lưu niệm đặc trưng của Hà Nội và Việt Nam. Trong danh sách các chính khách nổi tiếng từng ghé thăm Tân Mỹ Design có cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Chile Michelle Bachelet, phu nhân Tổng thống Ireland Michael D. Higgins...

Những hình ảnh đẹp về con người và đất nước Việt Nam qua sản phẩm Tân Mỹ như nụ cười người Hà Nội, cầu Thê Húc, đến Ngọc Sơn... đã theo chân các vị khách quốc tế xuất hiện khắp 5 châu, 4 bể ngày càng nhiều. Một vị khách người Canada đã đến Tân Mỹ (năm 1992) khi cơ sở còn ở ngõ 109 Hàng Gai; sau 31 năm, ông quay lại và vẫn giữ tấm danh thiếp của Tân Mỹ, điều này đã phần nào nói lên uy tín của thương hiệu.

Những năm đầu Việt Nam bước vào công cuộc đổi mới, người dân phố cổ lúc đó chỉ cần cho thuê nhà làm khách sạn là rủng rỉnh tiền ăn tiêu, hay đơn giản hơn là nhập hàng Trung Quốc về bán, “một vốn bốn lời” chả cần phải suy nghĩ nhiều. Nhưng mẹ con nghệ nhân Bạch Thị Ngải vẫn kiên trì theo nghề gia truyền, tập trung phát triển các sản phẩm đặc trưng với chất liệu tự nhiên (lanh, lụa...), kiên định với dòng sản phẩm thêu tay. Chất liệu lụa, lanh vốn mỏng, trơn, đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao mới có thể thêu được, vì vậy lợi nhuận không cao, nhưng bà Ngải và chị Hương vẫn kiên trì theo đuổi. Bên cạnh hoa đào, mai và hoa sen, các mẫu thêu tay Tân Mỹ Design đã hướng đến du khách nước ngoài bằng hình ảnh hoa nhỏ li ti, hoa lavender (oải hương) hay phong cảnh nổi tiếng thế giới.

Nâng tầm thương hiệu

Năm 1966, sau một quá trình phát triển không ngừng, Tân Mỹ “từ ngõ ra phố”, chuyển đến địa chỉ mới 66 Hàng Gai thuận lợi hơn cho việc buôn bán, quảng bá sản phẩm. Năm 1994, khi thấy con gái đã vững vàng, bà Bạch Thị Ngải tin tưởng giao cơ ngơi cho chị Đỗ Thanh Hương tiếp tục điều hành và phát triển thương hiệu. Thế hệ thứ hai của gia đình đã nhanh chóng phát triển Tân Mỹ lên một tầm cao mới, mở rộng cả về kinh doanh lẫn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất.

Năm 2003, Tân Mỹ có thêm cơ sở tại 61 Hàng Gai, rộng 1.000m2, được thiết kế thành một không gian văn hóa - thời trang - nghệ thuật với sự cộng tác của nhiều nhà thiết kế nổi danh như Minh Hạnh, Vũ Việt Hà, Hà Trương... và nhiều nghệ sĩ như Thái Nhật Minh, Đinh Công Đạt, thương hiệu thời trang Bianco Levrin, Ipa Nima, My Way Deco, Pascal Dang, Chula... Dưới sự điều hành của chị Đỗ Thanh Hương, Tân Mỹ đã lấn sang lĩnh vực sơn mài, thời trang cao cấp, thiết kế trang sức, thiết kế nội thất và đang rất ấn tượng với dòng tranh, tượng (gốm, sơn mài)...

Năm 2009, sau thời gian học tập và trải nghiệm bên ngoài, CEO Nguyễn Thùy Linh - con gái chị Đỗ Thanh Hương tốt nghiệp đại học chuyên ngành kinh tế và bắt đầu kế thừa sự nghiệp của gia đình. Thùy Linh thành lập Công ty TNHH Thiết kế thời trang Tân Mỹ (Tân Mỹ Design) và quyết tâm phát triển thương hiệu theo hướng mới. Ý tưởng thành lập công ty, mở rộng thị trường, áp dụng phương thức quản lý chuyên nghiệp và bài bản của CEO Thùy Linh đang tiến triển thuận lợi, đúng định hướng thì đại dịch Covid-19 ập đến, khách mua giảm mạnh. Tại thời điểm đó, nhiều showroom của Hà Nội phải đóng cửa. Đứng trước thử thách lớn đó, gia đình Thùy Linh phải bán 1 căn nhà để có tiền trả lương, giữ chân thợ và kinh doanh cầm cự chờ cơ hội.

Tân Mỹ Design với 500 lao động, trong đó có rất nhiều người thợ tài hoa, là doanh nghiệp Hà Nội có nhiều lao động nghề truyền thống. Theo nếp nhà, bà Ngải luôn dặn con cháu, nếu khó khăn thì mình bớt ăn tiêu đi, không để thợ mất việc, không được làm ẩu, luôn giữ chữ tín, bằng mọi cách phải làm đúng cam kết, khiến khách hàng hài lòng. Ba người phụ nữ đã đồng tâm bàn bạc và đưa ra chiến lược “lấy ngắn, nuôi dài”, tối ưu hóa chi phí và mở rộng liên danh, liên kết để đa dạng hóa sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới.

Đổi mới để phát triển

Tháng 11-2017, Sở Du lịch Hà Nội đã trao chứng nhận cơ sở đạt chuẩn phục vụ khách du lịch cho Công ty TNHH Thiết kế thời trang Tân Mỹ tại địa chỉ 61 Hàng Gai. Đến với Tân Mỹ Design, khách hàng được thưởng thức cà phê, đồ ăn nhẹ cùng tiếng đàn piano và chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng quốc tế, một không gian văn hóa lãng mạn.

Khi khách quốc tế (chiếm 80% doanh thu) do ảnh hưởng của đại dịch không có cơ hội đến Việt Nam, người phụ nữ thế hệ thứ 3 của thương hiệu Tân Mỹ Design đã nhanh chóng hướng tới thị trường nội địa và sàn thương mại điện tử. Sản phẩm Tân Mỹ Design đã được bán online trên Shopee, Lazada, Facebook, TikTok và đích thân Thùy Linh là người livestream bán hàng. Bên cạnh chất lượng, giá cả cạnh tranh thì câu chuyện về một thương hiệu nổi tiếng đã hình thành hơn 50 năm cùng 3 thế hệ nối tiếp nhau phát triển kinh doanh là chất liệu hấp dẫn trong các buổi livestream. Trong năm 2023, những đơn hàng trong nước và quốc tế đã đến với thương hiệu nổi tiếng này nhờ livestream.

Trong một buổi tọa đàm về phát triển thương mại điện tử do UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức mới đây, CEO Thùy Linh khẳng định: "Ban đầu, ngay cả bà và mẹ tôi cũng không ủng hộ livestream bán hàng nhưng tôi vẫn quyết tâm thực hiện. Định hướng Tân Mỹ Design là tập trung sáng tạo, phát triển sản phẩm truyền thống của gia đình nhưng vẫn phải nắm bắt xu thế kinh doanh của thời đại. Tôi đang hướng cho con gái Kitty - thế hệ thứ tư của gia đình - về triết lý này".

Khởi nguồn từ cửa hàng nhỏ thêu tay truyền thống, nổi tiếng về độ tinh xảo và uy tín, đến nay Tân Mỹ Design đã trở thành một thương hiệu văn hóa - thương mại lớn của Hà Nội. Tạp chí New York Times đánh giá showroom (61 và 66 Hàng Gai) của thương hiệu này là 1 trong 11 địa điểm không thể bỏ qua khi đến Thủ đô. Quá trình hơn 50 năm phát triển thương hiệu Tân Mỹ Design gắn liền với sự đóng góp của ba thế hệ phụ nữ Hà Nội...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tân Mỹ Design - Đại sứ văn hóa Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.