(HNM) - Xã Pú Hồng (huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên) nom như quả đồi đào dở. Chỗ nào cũng ngổn ngang: Nắng, bụi, nham nhở... Xe ô tô đang đi thì Bí thư Huyện ủy Điện Biên Đông Đỗ Văn Ruẫn, một người rất chịu khó "lội bản" kêu dừng lại, hạ cửa kính xuống hỏi thăm một người đàn ông đang cheo leo trên sườn dốc.
Người đàn ông mà Bí thư Ruẫn chuyện rõ thân mật là Nạ Văn Siêng, người dân tộc Khơ Mú, ở bản Phiêng Muôn A. Vừa kể lại chuyện ông Siêng, ông Ruẫn vừa cảm kích. Nhà ông Siêng đông con, 8 đứa tất tần tật, làm ăn chật vật lắm nhưng đã hai lần hiến đất xây dựng trường học. Nhìn cảnh đám trẻ bản không có trường để đến rồi khi xã được "rót" vốn xây trường lại không có đất, ông Siêng tình nguyện. Ban đầu, ông hiến một nửa chỗ đất nhà. Sau, lại thấy lũ trẻ phải học hai ca, chỗ ngồi chật chội, sân chơi không có, ông hiến tiếp. Cả hai lần, khoảng 2.500m2.
Nhiều người dân ở Pú Hồng hi vọng chăn nuôi trâu, bò sẽ góp phần giúp họ thoát nghèo. |
Quãng dăm, sáu năm trước, Pú Hồng được "sinh" - tách ra từ "mẹ" Phình Giàng. Xã rộng ngót 13 nghìn héc ta, xấp xỉ 3.600 nhân khẩu. Từ tỉnh lị Điện Biên Phủ về chừng 70km nhưng có đi "hai cầu" cũng phải mất dăm tiếng đồng hồ, ba bốn bận vượt ngầm giữa mùa khô. Được liệt vào địa bàn khó khăn nhất về giao thông của Điện Biên, mùa mưa ở Pú Hồng nước suối dâng cao, chảy siết, đường sá không bị "xẻ" thì cũng lầy lội, trơn tuột. Mấy năm trước, một khảo sát sơ bộ cho thấy cả xã, nơi sinh sống của đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái, Lào, có tới hơn 60% hộ nghèo. Đến trụ sở xã nom cũng nghèo. Hôm tôi đến, đấy là một ngôi nhà gỗ xiêu vẹo. Tất cả ban bệ, ngành tập trung ở đó. "Tường" trụ sở là ván ghép, bụi cứ gọi là thông thốc lọt qua khe...
Hồi Pú Hồng mới "sinh", hai Báo Hànộimới, Điện Biên Phủ cùng Công ty BAT Việt Nam đã cho người dân ở đây vay "vốn bình ổn" (nghĩa là không "phần trăm" gì ráo) để họ xây dựng mô hình VAC trồng đậu tương, tre Bát Độ, chăn nuôi trâu, bò, dê... Xã chọn ra 8 hộ "chí thú", mỗi hộ được vay 4-6 triệu đồng. Vốn được quy ra bò hoặc trâu giống: Sùng Sái Sử bản Ao Cá, Lường Văn Song bản Chả B, Lường Thị Inh, bản Mường Ten, Nạ Văn Quy, bản Phiêng Muôn... Ngoài giúp vốn, Báo Điện Biên Phủ cử cán bộ "ba cùng" hướng dẫn bà con chăn nuôi. Ông Lầu A Vàng, phóng viên Báo Điện Biên Phủ nổi tiếng làng báo cả nước vì là nhà báo duy nhất cắm bản "cầm tay chỉ việc" cho bà con chăn nuôi, làm thủy lợi nhỏ.
Số vốn tuy không lớn, số hộ được chọn không nhiều nhưng ít ra cho thấy nhận thức của người dân thay đổi được. Họ hiểu tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ. Nhưng khi các hộ đang hào hứng, có hộ đã trả nợ "đúng tiến độ" và được duyệt vay mới thì đùng một cái, dịch bệnh lở mồm long móng. Phần lớn người dân ở xã Pú Hồng (Điện Biên Đông) tìm cách cứu chữa, nhưng cũng không ít gia đình bán chạy trâu bò bị dịch. Lợi dụng lúc dân hoang mang, nhiều tư thương ở nơi khác đến ép giá. Từ lúc dự án "về", dịch cũng "về" mấy lần.
Nhà ông Nạ Văn Quy toát mồ hôi chạy chữa cho con bò bệnh. Như nhiều hộ dân khác, họ không có kinh nghiệm, kiến thức nhiều. Xã không còn "vùng trắng". Hồi tháng 3 vừa rồi, 17/17 bản của Pú Hồng có trâu bò bị chết vì dịch, tổng cộng gần 400 con. Ngày cao điểm cả xã có vài chục trâu bò chết. Hôm gặp, dù xã còn hơn 1.200 trâu bò khỏe nhưng Mùa Giống Vàng, Chủ tịch xã, đã âu sầu. Chủ tịch Mùa Giống Vàng lo còn dịch thì... không còn trâu, bò. Chính quyền xã đã tuyên truyền cách phòng, chống dịch bệnh nhưng bà con chủ quan, giữ nguyên tập quán chăn thả nên không xoay xỏa kịp. Nhưng một cán bộ huyện rủ rủ, thú y xã cũng chịu nữa là bà con.
Bà nhà ông Quy bảo trâu, bò không bệnh được giá 12 triệu đồng một con trở lên nhưng mắc dịch thì chỉ còn phần tư hoặc ít hơn.
- Thời gian tới, đành trông chờ Nhà nước hỗ trợ - Ánh mắt bà buồn rời rợi.
Hai năm trước, xã Pú Hồng tìm được một "cửa" khác: xuất khẩu lao động. Từ đó đến nay, xã đã có gần 50 lao động đi làm việc xứ người. Nhiều người đã chuyển tiền về trả nợ, mua trâu bò, các phương tiện giải trí trong nhà. Xã đã được huyện đánh giá là "điểm sáng" về xuất khẩu lao động nhưng thực sự con số 50 người đâu có nhiều.
Thay đổi nhận thức của bà con mỗi lúc một nhích lên. Hôm chúng tôi lên Pú Hồng, đoạn qua bản Tin Tốc B, choáng thấy chị em đang kiên nhẫn lái xe máy qua vòng tròn vạch vôi trắng hình số 8 như trong đồ hình tổ chức thi lấy bằng lái xe máy. Một cán bộ huyện bảo ở đâu bỏ ngỏ chứ ở Pú Hồng, việc thi lấy bằng lái được thực hiện rất tốt. Hằng năm, huyện Điện Biên Đông phối hợp với "giao thông" tổ chức hai lần thi cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho những người không biết chữ. Chủ tịch Mùa Giống Vàng kể: - Tuy nghèo nhưng hầu hết gia đình ở Pú Hồng có xe máy. Cánh đàn ông đã "vượt vũ môn". Nhưng giờ, chị em cũng đi học, đi thi ầm ầm. Các ông ủng hộ vợ con với cái lý riêng: "Nó có cái giấy phép lái xe đi đâu đỡ phải chở. Công sức chẳng mất nhiều, chỉ tuần ngồi kèm là nó vững". Phụ nữ nghĩ khác, ngoài chuyện "chấp hành pháp luật", "độc lập tự do" còn tính đến cả lúc "thằng chồng say rượu, tao còn chở nó về".
Dù vậy, cái lạc hậu vẫn níu chân bà con. Nhiều người nghĩ trâu bò bị dịch bệnh có khi tại "ma làm". Thế là khi nhìn thấy trâu bò mõm sùi bọt, chân toác ra, thay vì gọi cán bộ thú y, họ bỏ mặc hoặc... cầu cúng. Nhưng còn nhiều chuyện chua xót hơn.
Một cô giáo trẻ Trường THCS Pú Hồng kể, nguyên nỗi ám ảnh về cái chết của Lầu Thị Chua đầu năm 2010. Nguồn cơn cũng đơn giản: Vì nhà ở cách trường hơn 10 cây số nên em ở nội trú. Đến mùa gặt, Chua về nhà mang gạo thì bố mẹ bắt nghỉ ít ngày để đi nương. Chua sợ nghỉ rồi bị cô nhắc nhở. Không biết làm thế nào cho phải, Chua vào rừng tìm lá ngón. Bố mẹ em đưa đến y tế xã thì đã muộn. Một anh cán bộ xã cho hay, chuyện ấy khá thường xuyên. Chẳng hạn, với người Mông, họ quan niệm cái chết rất đơn giản. Buồn chán, ăn lá ngón. Phẫn uất, ăn lá ngón. Có đứa đang học lớp sáu, lớp bảy, đòi bố mua cho cái "a lô" không được, ăn lá ngón; yêu nhau, bị cấm, rủ nhau ăn lá ngón. Mà ở vùng này, đứa trẻ nào cũng biết lá ngón nào thì độc, lấy lá ngón thế nào để khi ăn không bị đau đớn vật vã...
Con đường lên Pú Hồng gập ghềnh thì những câu chuyện trên xe cũng ngổn ngang. Nào ông bố nghiện bán cả gạo cứu trợ để hít. Rồi nhiều người chửa chịu làm đã đợi xin cứu trợ. Cô giáo Anh văn Lương Thị Loan từ Hòa Bình lên, xinh nõn nà, ở trong một ngăn liếp chật hẹp kê cái giường được ghép lại bằng ván. Vách bằng liếp, hơi dôi so với chiều rộng cái giường, đã được căng bạt hỗ trợ nhưng gió vẫn thổi thông thốc. Để trẻ đến trường, nhiều thầy, nhiều cô phải lặn lội tới từng bản vận động các ông bố, bà mẹ. Bố mẹ chúng nó đồng ý rồi lại phải khuyên nhủ, động viên lũ trẻ. Vất lắm.
Giờ này, chắc trụ sở UBND xã Pú Hồng đã được "đưa vào hoạt động" (cách nói đầy tính khẩu ngữ trong các báo cáo). Nhưng Pú Hồng vẫn lổn nhổn… Trên đường, rải rác những căn lều tạm, vách bằng liếp, nền là... mặt đường của học sinh không ở nội trú.
Chuyện Nạ Văn Siêng hiến đất xây trường râm ran khắp huyện, rồi loang ra tỉnh. Ông Siêng bảo, đất ấy nếu canh tác mỗi năm ông chỉ thu được vụ ngô nhưng để xây trường, nhiều đứa con, đứa cháu, đứa trẻ xã ông sẽ được đổi đời.
Đấy là tính chuyện cho mười năm, hai mươi năm nữa.
Giờ, ti tỉ thứ phải lo. Xã nghèo, dân nghèo, ở xứ khỉ ho cò gáy này miếng ăn vẫn là chuyện đầu tiên. Dù vậy, tư duy hiếm có như ông Siêng ít nhiều cũng le lói hy vọng thay đổi ở mảnh đất này.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.