Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tản mạn nghề phục vụ buồng phòng

Minh Quang| 24/03/2019 07:06

(HNM) - Ngoài các vị trí lễ tân, phục vụ… thì nhân viên buồng phòng được xem là vị trí quan trọng trong lĩnh vực lưu trú. Tuy nhiên, không phải ai cũng nhận ra điều này, nếu chưa nghe câu chuyện của những người đang gắn bó với nghề buồng phòng.

Nghề không đơn giản

Nguyễn Thị Kim Oanh và Lý Thị Thu Trang đều đang là nhân viên buồng phòng tại khách sạn Lotte Hà Nội. Cả hai cùng đoạt giải Nhất tại Hội thi nghiệp vụ buồng toàn quốc năm 2018. Nguyễn Thị Kim Oanh giành giải ở phần thi nghiệp vụ làm buồng, còn Lý Thị Thu Trang được trao giải ở phần thi ứng xử tình huống thực tế. Đối với họ, đó là động lực vô giá trong hành trình đi theo nghề buồng phòng - một nghề khá xa lạ với họ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Quản trị khách sạn hướng dẫn kỹ năng trong nghề buồng phòng.


Theo học tại Trường Đại học Công nghiệp, Nguyễn Thị Kim Oanh - 28 tuổi từng mong sẽ theo ngành nghề quản trị kinh doanh. Thế nhưng khi đi thực tập tại một số khách sạn, tiếp xúc với nghề buồng phòng, cô gái người Hà Tĩnh này tìm thấy một hướng đi mới. “Sau một khoảng thời gian gắn bó, tôi mới thấy đây là một nghề đầy thú vị, dù thầm lặng nhưng luôn mang đến những điều mới mẻ cho chính bản thân tôi".

Nhưng con đường đến với nghề buồng phòng của Oanh không đơn giản. Bố mẹ cô từng thắc mắc: “Đã đi học đại học, sao lại theo cái nghề giản đơn, vất vả như vậy”... Nhưng cô vẫn kiên định với lựa chọn của mình.

Cũng như Kim Oanh, Lý Thị Thu Trang đã chủ động đến với nghề buồng phòng dù gia đình làm kinh doanh. “Ban đầu em cũng chỉ muốn thử sức với nghề này nhưng rồi theo năm tháng, được các anh chị quản lý tạo điều kiện, quan tâm nên tự em thấy muốn gắn bó” - Lý Thị Thu Trang kể.

Còn chị Tạ Thị Hằng ở khách sạn Riverside (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, cách đây 5 năm, chị đi lao động ở Macau (Trung Quốc), được đào tạo nghề buồng phòng rồi làm ở một khách sạn 5 sao. Trở về Việt Nam, với vốn tiếng Trung Quốc đáng kể, chị được nhận vào khách sạn Riverside, nơi thường đón các đoàn khách du lịch từ Trung Quốc.

Mỗi người đến với nghề bằng con đường khác nhau nhưng đều có chung nhận xét, buồng phòng là nghề “vất vả, đòi hỏi sự kiên nhẫn, thật thà, sáng tạo, tinh ý". Như Nguyễn Thị Kim Oanh phụ trách khoảng 12 phòng khách sạn, Lý Thị Thu Trang phụ trách khoảng 7-8 căn hộ tại khách sạn Lotte Hà Nội, còn chị Tạ Thị Hằng phụ trách khoảng 13-15 phòng tại khách sạn Riverside. Tuy chỉ là quản lý những phòng cố định, nhưng công việc mỗi ngày lại không hẳn giống nhau, đòi hỏi sự tập trung cao độ và phải có thể lực tốt mới bảo đảm yêu cầu.

“Nhiều khi chúng tôi chỉ có nửa giờ để dọn khoảng 3-4 phòng. Đã có những ngày mùa đông mà áo của chúng tôi ướt đẫm mồ hôi. Thế nên mới nói, làm công việc buồng phòng phải thật chịu khó, có sức khỏe thì mới theo được lâu dài”, chị Tạ Thị Hằng chia sẻ.

Làm nghề buồng phòng, một trong những tiêu chí được đánh giá rất cao là đức tính thật thà. Chị Tạ Thị Hằng cho biết: “Khách lỡ để quên chỉ 1.000 đồng cũng phải giữ nguyên trạng rồi báo với bộ phận lễ tân".

Đối với Nguyễn Thị Kim Oanh, chuyện khách để quên đồ khi trả phòng hoặc để đồ ở nơi dễ thấy là chuyện đã quá quen thuộc. Kim Oanh từng gặp trường hợp khách để quên tới 40 triệu đồng sau khi trả phòng. Tất nhiên, cô liên hệ với bộ phận có trách nhiệm để trả lại khách.

Bên cạnh đó, yêu cầu với người làm nghề buồng phòng hiện tại đã khác trước rất nhiều. Nhân viên buồng còn phải tinh tế trong giao tiếp để thực sự là quản gia của khách trong thời gian họ lưu trú tại khách sạn cũng như góp phần tạo nên hình ảnh ấn tượng của khách sạn trong mắt khách hàng. Đó là kinh nghiệm đúc rút của chị Nguyễn Thị Trà, người đã có thâm niên trên 30 năm trong nghề buồng phòng và đang làm việc tại một nhà khách lớn ở Hà Nội.

Còn Lý Thị Thu Trang cho biết, muốn khách hài lòng người phục vụ phải có kiến thức, sự tinh tế và vốn ngoại ngữ nhất định. Ở đó, nhân viên không đợi khách nói mong muốn mà phải chủ động tìm hiểu, đáp ứng. Như việc biết khách thuận tay trái thì nhân viên buồng phòng sẽ phải đặt kệ bên tay trái. Nhờ đó, khách sẽ thuận tiện khi sử dụng các vật dụng như đèn, điều khiển điều hòa…

Yêu nghề sẽ theo được đến cùng

Đi theo nghề buồng phòng cũng đồng nghĩa phải chấp nhận những thiệt thòi, trong đó rõ nhất là hiếm khi được nghỉ trọn vẹn vào dịp lễ, Tết. Như Nguyễn Thị Kim Oanh, cô đã làm xuyên Tết trong 4 năm gần đây. "Tết Nguyên đán vừa rồi, tôi làm từ 30 tháng Chạp đến hết mùng 7 tháng Giêng. Những ngày Tết, nhiều khi tan ca rồi mà tôi vẫn muốn nán lại khách sạn vì về nhà sẽ phải đối mặt với cảm giác cô đơn, bởi lúc ấy chồng con đều đang đón Tết ở quê" - Kim Oanh tâm sự...

Do đặc thù của nghề "làm dâu trăm họ" nên nhiều khi những nhân viên buồng phòng cũng không tránh khỏi những tình huống khó xử. Kim Oanh kể, vui thì cũng nhiều nhưng cũng có lúc "tâm tư" vì gặp phải những vị khách khó tính ngoài sức tưởng tượng.

Có không ít khách trong tình trạng “nhớ nhớ, quên quên”, để quên đồ ở chỗ khác nhưng lại “quy trách nhiệm” cho nhân viên buồng phòng. Nếu không vững về phương pháp giải quyết thì có thể hỏng chuyện. Chị Nguyễn Thị Trà dẫn chứng: "Có lần, khách khăng khăng để tài liệu quan trọng trong phòng và bị mất. Nhưng sau một hồi tôi tư vấn, khách mới sực nhớ là để quên vali tại phòng khác...".

Song, dẫu vất vả nhưng người làm nghề buồng phòng cũng có niềm vui riêng. Nguyễn Thị Kim Oanh từng không ít lần bất ngờ khi được khách lì xì vào dịp Tết hay nhiều khách còn mời cô về nước họ để làm quản gia trong gia đình.

Còn Lý Thị Thu Trang luôn hào hứng khi kể về những gia đình đã coi cô như người nhà... Với nhân viên buồng phòng, một trong những yếu tố khiến họ yêu nghề là việc thường xuyên được tiếp xúc với những khách hàng mới, đến từ nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính điều đó khiến nhân viên phải nâng cao nghiệp vụ, bổ sung kiến thức văn hóa, ngoại ngữ, học hỏi, quan sát để có vốn sống, dù công việc chỉ cố định trong một tầng hoặc hai tầng khách sạn...

Qua những câu chuyện nghề, cả Kim Oanh, Thu Trang, chị Tạ Thị Hằng, Nguyễn Thị Trà đều chia sẻ: “Tất cả đều đến từ sự yêu nghề nên chưa bao giờ thấy công việc của mình nhàm chán. Cứ làm hết trách nhiệm bằng cái tâm và bằng sự hiểu biết, khi mình yêu nghề, tất sẽ có những niềm vui vô giá”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tản mạn nghề phục vụ buồng phòng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.