(HNM) - Việt Nam đang chạm đỉnh thời kỳ dân số “vàng” với số người trong độ tuổi lao động hoặc còn khả năng lao động chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, giai đoạn này diễn ra không lâu và song hành với đó là quá trình già hóa dân số. Vì thế, ngay từ bây giờ, các cơ quan chức năng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để tận dụng nguồn nhân lực thời điểm dân số “vàng”, phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ hội và thách thức
Hằng năm, bà Nguyễn Thảo Tiên (50 tuổi), tổ dân cư số 2, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cùng các thành viên trong gia đình đều đến với các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt ở vùng khó khăn để làm từ thiện. Chia sẻ về việc làm ý nghĩa này, bà Tiên cho biết: “Cả 4 thành viên gia đình tôi đang ở tuổi lao động, thu nhập khá, nên muốn chia sẻ một phần thu nhập cho những người kém may mắn”. Khác với gia đình bà Tiên, 3/3 thành viên gia đình ông Đỗ Văn Mạnh, thôn Thanh Chiểu, xã Phú Cường (huyện Ba Vì) không có ai trong độ tuổi lao động. “Con trai tôi là lao động duy nhất trong gia đình thì đã mất. Vợ chồng tôi đã già, lại bị khuyết tật, sống cùng cháu đang đi học. Nếu thiếu các nguồn lực trợ giúp xã hội, chúng tôi không biết phải sống ra sao”, ông Mạnh ngậm ngùi nói.
Những hoàn cảnh trái ngược nêu trên phần nào cho thấy vai trò của người lao động trong gia đình và ngoài xã hội. Với quy mô dân số hơn 96 triệu người, chiếm đa số là người trong độ tuổi lao động hoặc còn khả năng lao động, nước ta đang có nguồn nhân lực dồi dào. “Người lao động là đối tượng trực tiếp sáng tạo ra tri thức, vật chất..., có vai trò quyết định tới sự phát triển toàn diện cho mỗi cá nhân, gia đình, cộng đồng. Do đó, nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số “vàng” là cơ hội để nước ta hội nhập, phát triển”, ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhận định.
Trên thực tế, nguồn nhân lực dồi dào, giá nhân công đủ sức cạnh tranh là yếu tố hấp dẫn, thu hút doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam. Ông Choi Yun Beom, Phó Tổng Giám đốc Công ty Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên cho rằng, người lao động Việt Nam nhạy bén, thông minh, dễ dàng tiếp cận với khoa học, công nghệ tiên tiến. Đó là một trong những lý do Samsung mở rộng đầu tư tại Việt Nam.
Bên cạnh những yếu tố thuận lợi, chất lượng nguồn nhân lực ở nước ta hiện nay còn những vấn đề cần khắc phục. Theo thống kê mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, lực lượng lao động trong độ tuổi qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta mới đạt 24,2%. Số người tham gia lao động, có việc làm tuy cao, nhưng thu nhập còn thấp. Mức thu nhập trung bình của lao động làm công hưởng lương mới đạt 6,94 triệu đồng/người/tháng. Đáng lưu ý, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao, chiếm 42,48% tổng số người thất nghiệp của cả nước. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến nước ta có năng suất lao động thuộc nhóm thấp so với các nước trong khu vực và quốc tế.
Theo tính toán của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) và Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), thời kỳ dân số “vàng” với nguồn nhân lực “vàng” ở nước ta bắt đầu từ năm 2007, đạt đỉnh vào năm 2020 và kéo dài đến năm 2025. “Quá trình này diễn ra đồng thời với già hóa dân số, nên nguồn nhân lực thời điểm dân số “vàng” là cơ hội để Việt Nam phát triển, đồng thời cũng đặt ra những thách thức trong việc bảo đảm an sinh xã hội trong tương lai”, ông Chang Hee Lee, Giám đốc ILO tại Việt Nam cho biết.
Chủ động tận dụng cơ hội
Theo bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, để tận dụng nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số “vàng”, các đơn vị, địa phương cần tập trung đào tạo lao động có trọng điểm, chú ý đến lợi thế vùng, miền, chủ động chuẩn bị đội ngũ lao động kế cận. Ông Richard Marshall, cố vấn chính sách về an sinh xã hội của Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam cho rằng, trong giai đoạn này Việt Nam cần tạo ra những việc làm có chất lượng và năng suất cao hơn.
Dưới góc độ người lao động, chị Nguyễn Thị Hoa, công nhân may ở cụm công nghiệp Bích Hòa (huyện Thanh Oai) mong muốn các cơ quan chức năng và người sử dụng lao động quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động, được tiếp tục hỗ trợ nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề và mức tiền công phải bảo đảm mức sống tối thiểu cho người lao động. Về phía người sử dụng lao động, bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất dịch vụ Hòa Bình, phường Quan Hoa (quận Cầu Giấy) đề nghị, ngoài kiến thức chuyên môn, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần rèn thêm về ý thức, tác phong làm việc chuyên nghiệp cho người lao động.
Về vấn đề này, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã, đang triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thị trường lao động. Nổi bật là các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn, hỗ trợ học phí cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở lựa chọn học văn hóa song song với học nghề. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp trong quá trình tuyển sinh, đào tạo nghề, nhằm bảo đảm chất lượng việc làm cho người lao động sau khi tốt nghiệp.
Thời kỳ dân số “vàng” được ví như tuổi thanh xuân của con người, chỉ diễn ra trong một số năm. Bởi vậy, không cách nào tốt hơn là các ngành, địa phương và mỗi người lao động cần tận dụng, phát huy sức trẻ để bứt phá.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.