(HNMO) - Ngày 5-5, Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Trung ương Đoàn tổ chức Diễn đàn với chủ đề "Chính sách về việc làm cho thanh niên năm 2023".
Diễn đàn diễn ra tại Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam (Hà Nội) và kết nối trực tuyến với 67 điểm cầu tại trụ sở các tỉnh, thành đoàn, Đoàn trực thuộc.
Tham dự diễn đàn có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ; Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh…
Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết, trong những năm qua, thể chế hóa những chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp năm 2013 nhằm phát huy vai trò, vị trí và tiềm năng to lớn của thanh niên nói chung, trong lao động, lập nghiệp, khởi nghiệp nói riêng, Quốc hội đã thông qua Luật Thanh niên năm 2020, Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Việc làm năm 2013… Trên cơ sở các quy định của pháp luật về việc làm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên. Nhờ đó mà công tác lao động, việc làm cho thanh niên đã đạt được những kết quả tích cực: Hơn 29,3% lao động thanh niên đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ; có khoảng 10,8 triệu lao động thanh niên, chiếm 21,4% lực lượng lao động cả nước; cơ cấu lao động thanh niên tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, phần lớn thanh niên làm việc trong khu vực công nghiệp, dịch vụ, chiếm 69,2%…
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, thách thức đối với lao động trẻ hiện nay, như: Tỷ lệ lao động thanh niên qua đào tạo có cao hơn tỷ lệ chung của cả nước nhưng không đáng kể, chỉ hơn 3%; một bộ phận thanh niên ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp yếu; nhiều sinh viên thiếu các kỹ năng “mềm”, kỹ năng làm việc; tình trạng thất nghiệp của thanh niên, nhất là nhóm tuổi 15-24 tiếp tục là thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam (quý I-2023 là 7,61%, cao gấp 3,38 lần tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước (2,25%)). Bình quân trong 10 thanh niên thì có một thanh niên bị thất nghiệp; số lao động trẻ đang làm việc hiện nay có nguy cơ mất việc cao gấp ba lần so với những lứa tuổi lớn hơn…
Tại diễn đàn, các đại biểu, chuyên gia đã trao đổi và kiến nghị về chính sách nghề nghiệp, việc làm cho thanh niên hiện nay. Trong đó, đáng chú ý là về các chính sách hiện có để hỗ trợ thanh niên bị giảm việc, mất việc, ngừng việc trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19; chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ thanh niên nông thôn, đặc biệt là thanh niên có hoàn cảnh khó khăn để sản xuất, kinh doanh, lập nghiệp, khởi nghiệp; những chính sách thu hút thanh niên tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn…
Kết luận diễn đàn, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Bùi Quang Huy nhấn mạnh, giải quyết việc làm cho người lao động nói chung và thanh niên nói riêng là một trong những mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm vấn đề an sinh xã hội. Có thể nói, lực lượng lao động là thanh niên luôn luôn giữ vị trí to lớn trong các hoạt động sản xuất, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế của đất nước. Chính vì vậy, Nhà nước ngày càng hoàn thiện các chính sách về việc làm cho thanh niên…
Ngay sau diễn đàn, Ban tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ các vấn đề, câu hỏi và kiến nghị chính đáng của thanh niên gửi đến các bộ, ngành giải quyết theo thẩm quyền và quy định của pháp luật...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.