(HNM) - Hiện, mỗi năm nguồn phụ phẩm trong nông nghiệp của thành phố Hà Nội phát sinh khoảng 900.403 tấn rơm rạ, 180.073 tấn trấu, 90.037 tấn cám và 205.650 tấn thân lá từ cây ngô, 41.467 tấn thân lá cây đậu tương. Trong khi đó, đàn gia súc, gia cầm của thành phố cũng thải ra môi trường khoảng 11,4 triệu tấn chất thải rắn/năm.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, tạo nguồn thực phẩm sạch, việc sử dụng phế phẩm như: Lúa, ngô, đậu tương, bã ngô... chế biến làm thức ăn cho gia súc không chỉ giúp nông dân tiết kiệm chi phí mà còn thu lợi nhuận cao.
Theo ông Vũ Kim Tuyền - hộ chăn nuôi bò thịt ở xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), mỗi năm, gia đình ông nuôi 100-120 con bò thịt, thu nhập gần 1 tỷ đồng. Để tạo nguồn thức ăn cho bò, ngoài trồng cỏ, năm 2019, gia đình ông đã đầu tư một máy cuốn rơm trị giá 300 triệu đồng. Rơm khô trước khi cho bò ăn được ủ thêm u rê, rỉ mật... giúp tăng giá trị dinh dưỡng, giảm chi phí thức ăn chăn nuôi. Nhờ máy cuộn rơm, mỗi năm, gia đình ông Tuyền tiết kiệm được 220 triệu đồng chi phí thức ăn cho bò và chủ động được nguồn thức ăn trong chăn nuôi.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Hiện nay, sử dụng thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp giúp nông dân vừa tiết kiệm chi phí, vừa chủ động nguồn thức ăn chăn nuôi, giảm dần sự phụ thuộc vào cám công nghiệp. Tuy nhiên, số hộ chăn nuôi sử dụng thức ăn chế biến từ phụ phẩm nông nghiệp còn ít so với nhu cầu thực tế do người dân chưa nắm rõ kỹ thuật chế biến, phối trộn, bảo quản thức ăn... Ngoài ra, phần lớn phụ phẩm này được nông dân sử dụng theo cách thủ công, dạng thô nên hiệu quả dinh dưỡng hạn chế.
Để chế biến thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm nông nghiệp đạt hiệu quả cao, theo Chủ tịch Hội Chăn nuôi Hà Nội Bùi Tuấn Khải, các ngành chức năng cần thường xuyên tập huấn cho người dân về chế biến rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp và công nghệ chế biến thực phẩm làm thức ăn cho gia súc; đồng thời, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giới thiệu mô hình tận dụng phế phẩm nông nghiệp hiệu quả, hướng dẫn nông dân phương pháp áp dụng...
Cũng về vấn đề này, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội Nguyễn Văn Hải nêu ý kiến: Các sở, ngành cần có cơ chế, chính sách đầu tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, nhất là ở các địa phương có diện tích trồng trọt và quy mô chăn nuôi lớn, qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chăn nuôi.
Để hỗ trợ người chăn nuôi, ông Nguyễn Huy Đăng cho biết, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương mở các lớp tập huấn, hướng dẫn nông dân cách xử lý phụ phẩm nông nghiệp, pha chế với cám để chế biến thành thức ăn chăn nuôi. Mặt khác, các hợp tác xã cần tích cực liên kết với doanh nghiệp trong ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chăn nuôi có sử dụng thức ăn phối trộn nhằm nâng cao giá trị, thúc đẩy chăn nuôi phát triển, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.