(HNMO) - Ngày 26-12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tổng kết 3 năm thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) với chủ đề “Tận dụng ưu thế của người đi đầu”.
Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) thông tin, sau 3 năm thực thi, các doanh nghiệp Việt Nam đã khai thác có hiệu quả CPTPP với những kết quả tích cực. Cụ thể, năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên CPTPP đạt 45,7 tỷ USD, tăng 18,1% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ các nước thành viên CPTPP đạt khoảng 45,5 tỷ USD, tăng khoảng 37,6% so với năm 2020.
10 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam với các nước thành viên CTPPP đạt 88,1 tỷ USD, tăng khoảng 19,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang các nước thành viên CPTPP đạt 45,1 tỷ USD, tăng 22,1% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, 10 tháng năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Canada đạt khoảng 6 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ năm 2021; kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang Mexico đạt khoảng 4,6 tỷ USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương nhận định, thị phần hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP chưa tương xứng với tiềm năng; cơ hội tận dụng ưu đãi từ hiệp định chưa thực sự cân bằng giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Còn nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chưa tận dụng được ưu đãi thuế của hiệp định; nhận thức về CPTPP của một bộ phận cán bộ, doanh nghiệp còn hạn chế…
Ông Bùi Tuấn Hoàn, Trưởng phòng châu Mỹ, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) nhận định, doanh nghiệp vẫn đối mặt với một số khó khăn khi xuất khẩu sang thị trường các quốc gia CPTPP. Cụ thể đó là khoảng cách địa lý xa xôi dẫn đến chi phí về logistics, chi phí vận tải gia tăng, nhất là sau tác động của dịch Covid-19. Trong khi đó, châu Mỹ cũng là một thị trường đòi hỏi cao về chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm và sử dụng lao động trong sản xuất.
Đại diện Bộ Công Thương đánh giá, sang năm 2023, bối cảnh thế giới sẽ tiếp tục biến động ở cả thị trường hàng hóa lẫn thị trường tài chính - tiền tệ. Do đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tập trung giải quyết những khó khăn kể trên, để CPTPP tiếp tục là động lực cho tăng trưởng xuất khẩu tương xứng với tiềm năng của Việt Nam, tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt trong sự cân bằng với các doanh nghiệp FDI, góp phần định vị thương hiệu sản phẩm Việt trên thị trường quốc tế.
Tại hội nghị, các diễn giả khách mời đã trao đổi về những cơ hội, thách thức từ thị trường và những điểm mới cần lưu ý trong việc thực thi CPTPP; đề xuất về chính sách và khuyến nghị cho doanh nghiệp để khai thác tối đa các thị trường đối tác trong CPTPP cũng như các giải pháp để nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi trong CPTPP thời gian tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.