Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấn bi kịch hậu "Mùa xuân Arab"

Trung Hiếu| 16/08/2013 06:12

(HNM) - Không nằm ngoài dự đoán, cuộc lật đổ vị tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập, ông Mohamed Morsi chưa phải là sự kết thúc mà đã mở đầu cho những căng thẳng dữ dội tại quốc gia Bắc Phi.

Ai Cập đang trải qua những ngày bạo lực kinh hoàng nhất trong nhiều thập kỷ.


Tấn bi kịch đã xảy đến với xứ Kim tự tháp khi máu đã nhuộm đỏ nhiều đường phố ở thủ đô Cairo. 520 người thiệt mạng, 3.527 người bị thương đã biến ngày 14-8 thành ngày bạo lực kinh hoàng nhất trong lịch sử Ai Cập nhiều thập kỷ qua. Đụng độ giữa những người biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống bị phế truất M.Morsi và lực lượng an ninh vẫn tiếp diễn sau khi chính quyền Cairo quyết định tổ chức trấn áp nhằm vào các lán trại của người biểu tình. Ai Cập đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài một tháng khi làn sóng phản kháng vẫn tiếp diễn bất chấp những biện pháp mạnh mẽ của chính quyền.

Không công khai lên án cuộc chính biến chấm dứt thời gian tại vị của ông M.Morsi, nhưng nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan ngại về tình trạng căng thẳng ở quốc gia đông dân nhất của thế giới Arab. Liên minh Châu Âu (EU) cho rằng vụ việc là "cực kỳ đáng lo ngại" và kêu gọi giới chức quốc gia Bắc Phi này kiềm chế. Đức, Pháp, Anh, Thổ Nhĩ Kỳ thúc giục những người ủng hộ chính phủ lâm thời Ai Cập và phe ủng hộ Tổng thống bị lật đổ M.Morsi từ bỏ bạo lực, đồng thời kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) có những bước đi nhanh chóng nhằm chấm dứt một cảnh đổ máu ở Ai Cập, cho rằng sự im lặng của cộng đồng quốc tế đã mở đường cho cuộc trấn áp bạo lực của các nhà chức trách nước này. Iran thì gọi đây là một "cuộc thảm sát" ở xứ Kim tự tháp. Trong khi đó, hàng chục người Jordan đã tiến hành một cuộc biểu tình ngồi trước Đại sứ quán Ai Cập tại thủ đô Amman để phản đối hành động trấn áp người biểu tình của quân đội. Đồng quan điểm với nhiều nước, Qatar cũng lên tiếng chỉ trích cuộc trấn áp và tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ Tổ chức Anh em Hồi giáo (MB) của ông M.Morsi...

Nhìn lại bức tranh quốc gia Bắc Phi này trong hơn hai năm qua, kể từ khi chế độ của cựu Tổng thống Hosni Mubarak sụp đổ, Ai Cập chưa có được một ngày bình yên. Dù giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, nhưng thất bại trong việc điều hành đất nước của MB do ông M.Morsi đại diện đã không thể thuyết phục được hàng triệu người Ai Cập vì tình trạng thất nghiệp và nghèo đói gia tăng. Sự thất vọng đã lên đến đỉnh điểm với cuộc cách mạng thứ hai kết thúc chế độ của ông M.Morsi cách đây chừng 6 tuần. Nhưng cũng từng đấy thời gian đất nước Bắc Phi chìm trong sự bất ổn mới. Mối bất hòa giữa những người phản đối và ủng hộ MB liên tiếp đẩy Ai Cập vào vòng xoáy bạo lực gia tăng.

Trong điều kiện hiện nay, chính quyền lâm thời ở Cairo chưa tìm được giải pháp để dung hòa lợi ích với MB. Do đó, quyết định trấn áp người biểu tình ủng hộ ông M.Morsi nhằm lập lại trật tự đang có nguy cơ đẩy nước này vào một cuộc nội chiến thực sự. Hiện tại, quân đội Ai Cập, lực lượng được xem như trọng tài chính trị đầy quyền lực vẫn giữ lập trường không nhượng bộ, tuyên bố sẽ tiếp tục gia tăng áp lực lên những người biểu tình. Cũng kiên quyết không kém, MB khẳng định sẽ tiến hành biểu tình chừng nào chính phủ do quân đội hậu thuẫn từ chức và cựu Tổng thống dân bầu M.Morsi trở lại nắm quyền. Cả hai phía đều thể hiện quan điểm cứng rắn đã khiến cho cuộc khủng hoảng hiện nay rơi vào bế tắc hoàn toàn. Dư luận vẫn lo sợ sẽ có thêm những cuộc "tắm máu" khác khi làn sóng biểu tình trên đường phố không ngừng lại và lực lượng an ninh sẽ can thiệp sâu bằng nhiều biện pháp cứng rắn hơn. Việc từ nhiệm của Phó Tổng thống Ai Cập, người giành giải Nobel Hòa bình, ông Mohamed ElBaradei do những mất mát về người mà ông tin rằng có thể tránh được đã báo hiệu cho những bất ổn mới trên chính trường xứ Kim tự tháp. Thông báo đang cân nhắc việc rút khỏi nội các của hai Phó Thủ tướng Ziad Bahaa El-Din và Hossam Eissa khẳng định rằng việc xây dựng thể chế dân chủ ở quốc gia Bắc Phi theo như mục tiêu của phong trào "Mùa xuân Arab" lại đứng trước vực thẳm phá sản.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tấn bi kịch hậu "Mùa xuân Arab"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.