Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tâm thế chủ động

Thiện Mỹ| 05/09/2020 06:08

(HNM) - Trong thư gửi ngành Giáo dục nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng viết: "Năm học mới 2020-2021, đại dịch Covid-19 có thể còn có những diễn biến mới, tôi đề nghị ngành Giáo dục cần tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giáo dục và đào tạo; khắc phục mọi khó khăn để vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa tổ chức tốt việc học tập...".

Quả vậy, năm học 2020-2021, thầy và trò trên cả nước sẽ tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp.

Trong tâm thế mới chủ động, ngành Giáo dục, các cấp chính quyền, các nhà trường đã “lập trình” nhiều phương án để thích nghi. Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định giảm tải nội dung dạy học ở 10 bộ môn và giảm thời lượng học tập của học sinh cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông từ 37 tuần xuống còn 35 tuần. Ngay trước thềm năm học mới, Bộ đã ban hành Chỉ thị số 666/CT-BGDĐT về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021, đưa ra 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, 5 nhóm giải pháp cơ bản nhằm bảo đảm “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch, vừa dạy - học chất lượng.

Đó là tiếp tục đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo; đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nâng cao chất lượng dạy và học. Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo; nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động giáo dục và đào tạo; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo…

Với Hà Nội - địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước cũng đã có những chuẩn bị chu toàn cho năm học mới, với tâm thế mới. Theo đó, các trường học, địa phương trên địa bàn đã chú trọng đầu tư xây dựng mới trường, lớp phục vụ năm học mới; hoàn thành việc tập huấn cho giáo viên dạy lớp 1 theo chương trình sách giáo khoa mới. Để góp phần nâng cao chất lượng dạy và học trong năm học mới, nhiều trường học còn đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, sẵn sàng cho việc dạy và học trực tuyến. Lễ khai giảng được nhiều trường tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến, dựng video ca nhạc thay vì biểu diễn văn nghệ... 

Những thay đổi trên cho thấy ngành Giáo dục đã xây dựng kịch bản dạy và học trong trạng thái “bình thường mới” với tâm thế hoàn toàn chủ động.

Trong bối cảnh đó, bảo đảm an toàn sức khỏe cho cả thầy và trò, công tác phòng, chống dịch bệnh trong trường học phải được đặc biệt quan tâm. Theo đó, các nhà trường, phụ huynh và học sinh không được phép chủ quan, lơ là; luôn giữ cho môi trường học đường an toàn bằng cách nghiêm túc thực hiện đúng hướng dẫn của Bộ Y tế, cấp thẩm quyền về hoạt động phòng, chống dịch. Công tác tuyên truyền cần được đẩy mạnh để phòng, chống dịch bệnh trở thành việc làm tự giác của mỗi cán bộ, giáo viên cũng như các em học sinh.

Để xây dựng được môi trường giáo dục chuyên nghiệp, mỗi giáo viên phải không ngừng rèn luyện về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nhà giáo, là tấm gương sáng cho mỗi học sinh noi theo. Còn phụ huynh, với vai trò là cầu nối giữa gia đình và nhà trường, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc dạy dỗ con em mình...

Thực hiện đồng bộ giải pháp trong tâm thế chủ động, ngành Giáo dục sẽ vượt qua mọi khó khăn, hướng đến một năm học mới chất lượng, an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tâm thế chủ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.