(HNM) - Sau hai ngày làm việc liên tục tại hòn đảo du lịch Jeju nổi tiếng ở miền Nam Hàn Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh giữa 3 nhà lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn vừa khép lại (chiều 30-5) với Tuyên bố chung về "Tầm nhìn hợp tác 2020".
Lãnh đạo ba nước tại Hội nghị. (Nguồn: Getty Images) |
(HNM) - Sau hai ngày làm việc liên tục tại hòn đảo du lịch Jeju nổi tiếng ở miền Nam Hàn Quốc, Hội nghị Thượng đỉnh giữa 3 nhà lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn vừa khép lại (chiều 30-5) với Tuyên bố chung về "Tầm nhìn hợp tác 2020".
Đây được xem là thành công nổi bật nhất mà 3 nhà lãnh đạo khu vực Đông Bắc Á đạt được trong cuộc gặp thường niên lần thứ 3 này kể từ năm 2008 đến nay.
Diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế khu vực cũng như trên thế giới đang trải qua thời kỳ hậu khủng hoảng đầy thách thức, điều đó giải thích vì sao cuộc gặp này lại bàn thảo nhiều vấn đề cùng quan tâm đến vậy. Trong đó, làm thế nào để thúc đẩy các kế hoạch hợp tác kinh tế - thương mại và tiến trình nhất thể hóa 3 nền kinh tế hàng đầu ở khu vực châu Á này là trọng tâm ưu tiên hàng đầu của hội nghị. Đây cũng là điều dễ hiểu bởi sự kiện này không chỉ nhằm củng cố sự tin tưởng giữa 3 bên, mà còn góp phần tăng cường sự hợp tác cùng có lợi, đặc biệt với sự ổn định và phát triển chung ở khu vực châu Á trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với nhất trí thành lập ban thư ký thường trực chung đặt trụ sở tại Hàn Quốc vào năm 2011, việc 3 nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận quan trọng trong nỗ lực hoàn tất hợp tác nghiên cứu khả thi về Hiệp định tự do thương mại (FTA) giữa 3 nước vào năm 2012 là bước đi không thể thiếu, giúp 3 bên tiến tới đàm phán cấp Chính phủ để thiết lập khu vực thương mại tự do Trung - Nhật - Hàn trong thời gian sớm nhất.
Là 3 đầu kéo đáng kể của nền kinh tế thế giới, chiếm khoảng 16% GDP toàn cầu, hơn 70% tổng lượng kinh tế của khu vực châu Á và khoảng 2/3 tổng giao dịch thương mại khu vực, việc đẩy mạnh hợp tác kinh tế - thương mại Trung - Nhật - Hàn có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển chung của khu vực cũng như trên thế giới. Cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế toàn cầu vừa qua một lần nữa cho thấy sức mạnh và vị thế của châu Á, trong đó không thể không kể đến 3 nền kinh tế Trung - Nhật - Hàn - được ví như những đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới vượt qua cơn bão suy thoái. Không những thế, việc đẩy nhanh tiến trình hợp tác Trung - Nhật - Hàn, trong đó Hiệp định FTA 3 bên còn góp phần đẩy nhanh tiến trình liên kết các nền kinh tế khu vực châu Á, thúc đẩy việc hình thành Cộng đồng Đông Á theo sáng kiến của Thủ tướng Nhật Bản Yukio Hatoyama.
Nếu như nội dung hai hội nghị thượng đỉnh Trung - Nhật - Hàn trước đây luôn bị chi phối bởi nỗ lực của các bên liên quan nhằm đưa vòng đàm phán 6 bên về hạt nhân của Triều Tiên đạt được kết quả, hội nghị lần này lại bị phủ bóng bởi những tranh cãi xung quanh vụ đắm tàu Cheonan của Hàn Quốc. Cho dù đây chỉ là vấn đề nội bộ trong quan hệ liên Triều, nhưng trên thực tế nó lại tác động không nhỏ đến tình hình an ninh khu vực Đông Bắc Á. Đặc biệt trong bối cảnh Hàn Quốc và Mỹ đang nỗ lực đưa vụ việc lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, bất chấp lời cảnh báo của Bình Nhưỡng "sẽ có những biện pháp đáp trả mạnh mẽ".
Việc các nhà lãnh đạo Trung - Nhật - Hàn cùng nhau tìm ra tiếng nói chung về vụ tàu chiến Cheonan là cần thiết trong bối cảnh quan hệ hai miền Triều Tiên ngày một nóng lên. Như Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định, nếu không có hòa bình và ổn định trên bán đảo Triều Tiên sẽ không thể có sự phát triển ở khu vực Đông Bắc Á.
Tiến trình hợp tác và xây dựng một nền kinh tế mới mang tầm khu vực đang hình thành ở khu vực Đông Bắc Á với sức mạnh hợp lực của Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Sự kiện 3 quốc gia Đông Bắc Á vượt lên bất đồng, gia tăng hợp tác lâu dài và chặt chẽ là bước đột phá quan trọng trong bối cảnh hiện nay, không chỉ giúp từng bước xóa đi các khoảng cách vốn có trong vùng, mà còn góp phần thúc đẩy hòa bình, ổn định của khu vực và trên thế giới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.