Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tấm lòng nghĩa tình ở Sài Sơn

Thanh Thủy| 25/05/2017 07:10

(HNM) - Xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cái nôi cách mạng của tỉnh Sơn Tây (cũ), an toàn khu của Xứ ủy Bắc Kỳ, mảnh đất đã tiễn đưa nhiều người con lên đường bảo vệ Tổ quốc, trong đó, không ít người đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường vì độc lập, tự do của dân tộc...

Xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình ông Tạ Văn Thưởng, thôn Phúc Đức, xã Sài Sơn (huyện Quốc Oai).


Ấm lòng người có công

Trở về từ chuyến nghỉ dưỡng tại Nghệ An, bệnh binh Lê Đình Hải (ở làng Thụy Khuê) vẫn còn nguyên vẹn niềm vui sướng khi vừa giới thiệu ảnh lưu niệm, vừa say sưa kể: “Nhờ Đảng và Nhà nước quan tâm, nhiều năm nay, chúng tôi được tham gia những chuyến đi như thế, vừa để gặp gỡ đồng đội ôn lại chuyện xưa, vừa được chăm sóc sức khỏe. Quan trọng hơn, sự động viên kịp thời, thường xuyên của chính quyền và nhân dân giúp chúng tôi thêm phấn chấn, có nhiều động lực để tham gia sản xuất, kinh doanh, góp một phần công sức nhỏ bé xây dựng quê hương, đất nước”.

Bệnh binh Lê Đình Hải là một trong 157 thương, bệnh binh; 599 người có công ở Sài Sơn đang được hưởng trợ cấp thường xuyên theo chế độ của Nhà nước. Họ cũng là đối tượng chính sách được chính quyền và nhân dân địa phương quan tâm chăm sóc như một cách tri ân những cống hiến thầm lặng mà cao cả cho Tổ quốc. Phó Chủ tịch UBND xã Sài Sơn Nguyễn Văn Nghĩa cho biết: Người dân Sài Sơn đều hiểu không gì đo đếm được những hy sinh của các đối tượng chính sách. Vì vậy, làm tốt công tác chăm sóc người có công không đơn giản là bù đắp cho những hy sinh, mất mát ấy, mà còn là cách giáo dục truyền thống sâu sắc cho các thế hệ hôm nay.

Xác định rõ nhiệm vụ, nhiều năm qua, công tác chăm sóc người có công với cách mạng ở xã Sài Sơn luôn được thực hiện tốt. Vào các dịp lễ, Tết, 27-7 hằng năm, cùng với quà tặng của Đảng và Nhà nước, xã, thôn và các đoàn thể ở Sài Sơn đều tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách với phần quà giá trị từ 200 đến 500 nghìn đồng. Việc vận động xây dựng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa ở địa phương được duy trì thường xuyên, liên tục, đã góp phần hoàn thiện việc xây, sửa hàng trăm ngôi nhà cho các gia đình chính sách. Cũng từ nguồn xã hội hóa, 3/6 thôn của xã Sài Sơn đã xây dựng được Nhà bia tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ, trong đó công trình mới hoàn thiện ở làng Thụy Khuê có tổng kinh phí lên tới hơn 1 tỷ đồng.

Ngoài ra, 2/41 bà mẹ được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được phụng dưỡng chu đáo. "UBND xã đang dốc toàn lực hoàn thành việc xây, sửa 37 căn nhà cho người có công trước ngày 30-6 năm nay; đồng thời, tổ chức gặp mặt, vinh danh người có công tiêu biểu và phối hợp với Viện Hàng không Việt Nam (một trong những đơn vị đã về địa phương sơ tán những năm kháng chiến chống Mỹ) tổ chức khám, cấp phát thuốc cho các đối tượng chính sách trên địa bàn xã vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ..." - ông Nguyễn Văn Nghĩa cho biết thêm.

Phát huy truyền thống

Là nơi đầu tiên nảy mầm phong trào cách mạng của tỉnh Sơn Tây (cũ), người dân Sài Sơn tự hào có Chi bộ Đảng được thành lập sớm nhất vùng (năm 1938). Nơi đây cũng từng diễn ra hàng loạt sự kiện tiêu biểu ghi dấu trong lịch sử cách mạng đất nước. Ý thức được điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Sài Sơn luôn coi trọng công tác gìn giữ, bảo vệ và phát huy giá trị lịch sử trong cuộc sống hiện tại, đồng thời bồi đắp, trao truyền những giá trị ấy thông qua những câu chuyện truyền thống cũng như hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn. Đơn cử như, Nhà lưu niệm Bác Hồ, nơi lưu giữ nhiều hiện vật quý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã và đang trở thành điểm đến đầy ý nghĩa cho các thế hệ người dân Sài Sơn với tâm nguyện trau dồi, ghi nhớ những câu chuyện sinh động về vị cha già dân tộc.

Nhà truyền thống cách mạng, một công trình khác nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy, cũng là điểm dừng chân không thể thiếu của những người biết yêu và coi trọng lịch sự địa phương. Từ những giờ ngoại khóa như thế, người dân Sài Sơn thêm hiểu, thêm yêu lịch sử quê mình, gắng sức góp phần gìn giữ, phát huy truyền thống quý báu để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh. Phát huy truyền thống đó, từ nhiều năm nay, học sinh các trường học ở địa phương thường xuyên tham gia quét dọn, sơn sửa nghĩa trang liệt sĩ; tổ chức các buổi nghe kể chuyện truyền thống từ các cựu chiến binh; thăm, tặng quà người có công; tích cực hỗ trợ các gia đình chính sách…

Từ những việc làm thiết thực của chính quyền và nhân dân địa phương, nhiều người có công với cách mạng ở xã Sài Sơn đã nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, kinh tế khá giả, đời sống ổn định. Không ít người, tuy tuổi cao, vẫn hăng hái tham gia công tác đoàn thể, xã hội ở địa phương… Ý nghĩa hơn, những việc làm như thế, đã và đang tiếp tục đắp bồi truyền thống của người dân Sài Sơn, hòa vào dòng chảy truyền thống cao đẹp của dân tộc...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tấm lòng nghĩa tình ở Sài Sơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.