Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạm dừng đến trường, không dừng việc học

Hạnh - Dung| 04/02/2021 06:13

(HNM) - Từ ngày 1-2, các trường học trên địa bàn Hà Nội bắt đầu dạy học trực tuyến để chủ động phòng, chống dịch Covid-19. Do đã có kinh nghiệm trong việc chuyển trạng thái dạy và học từ trực tiếp sang trực tuyến, nên công tác này không gặp nhiều khó khăn. Học sinh, phụ huynh và các nhà trường đã cùng phối hợp để thực hiện triệt để nguyên tắc "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học", bảo đảm vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa duy trì ổn định, nền nếp việc dạy và học.

Học sinh Trường Tiểu học Liên Hà A (huyện Đông Anh) học trực tuyến tại nhà. Ảnh: Đỗ Tâm

Học sinh, phụ huynh, nhà trường đồng hành

Chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới, chị Nguyễn Lê Hạnh, Khu chung cư Mulberry Lane (quận Hà Đông) cho biết, chị phải xin nghỉ làm để “học” cùng con trai là học sinh tiểu học trong ngày đầu học trực tuyến. Tiết học đầu, con chị chưa bắt nhịp được ngay, nhưng sau khi được cô giáo và mẹ nhắc nhở, hướng dẫn cách truy cập vào phòng học trực tuyến qua phần mềm Zoom, con chị Hạnh đã dần quen với phương thức học mới. 

Để việc học của học sinh, đặc biệt là các học sinh tiểu học được thuận lợi, nhiều gia đình đã gửi con sang nhà người thân, nơi có người lớn hoặc các anh chị lớp lớn trông nom, hướng dẫn. Em Nguyễn Yến Linh, học sinh lớp 8 Trường Trung học cơ sở Phúc Diễn (quận Bắc Từ Liêm) cho biết, em họ của Linh học lớp 3, chưa biết sử dụng phần mềm Zoom nên Linh vừa học vừa đảm nhiệm thêm nhiệm vụ “trợ giảng” cho em.

Tương tự, tại khu vực ngoại thành, các học sinh, phụ huynh và nhà trường cũng đồng hành để nâng cao hiệu quả học tập trực tuyến. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp cho biết, nhà trường đã chuyển sang hình thức dạy trực tuyến với tất cả 15 lớp, tổng số gần 600 học sinh, từ ngày 1-2. Để tất cả học sinh đều có phương tiện học tập (vì nhiều học sinh phải mượn máy tính, điện thoại thông minh của cha mẹ), nhà trường tổ chức dạy học vào các buổi tối, mỗi buổi có 4 tiết và mỗi tiết chỉ kéo dài khoảng 30-35 phút, chủ yếu thầy cô giảng lý thuyết. Sau buổi học, thầy cô giao bài tập qua thư điện tử hoặc ứng dụng Zalo, học sinh làm bài rồi gửi lại để thầy cô kiểm tra.

Do hồi đầu năm 2020, các thầy cô, học sinh, phụ huynh đã được làm quen một thời gian dài với việc dạy và học trực tuyến, nay chỉ là khởi động lại nên công việc này được tiếp nối khá thuận lợi. Tuy nhiên, có một số phụ huynh vẫn băn khoăn, đặc biệt với những gia đình có con đang học lớp cuối cấp. Anh Nguyễn Văn Dương, ở phố Đội Nhân (quận Ba Đình) có con là học sinh lớp 9 Trường Trung học cơ sở Ba Đình chia sẻ: "Tôi thấy còn nhiều học sinh thiếu tập trung, không tự giác theo dõi, ghi chép bài giảng của thầy cô. Nếu phụ huynh không sát sao, nhắc nhở các con thì kết quả học tập sẽ bị ảnh hưởng".

Bà hướng dẫn cháu học bài trong thời gian tạm dừng đến trường do dịch Covid-19 tại quận Hoàng Mai. Ảnh: Đỗ Tâm

Nhiều giải pháp hỗ trợ

Để việc dạy và học trực tuyến đạt kết quả cao, đồng thời bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh, các trường học, các cơ quan quản lý giáo dục tại các địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Lâm (quận Long Biên) Ngô Hồng Giang thông tin, 27 giáo viên chủ nhiệm của nhà trường trong ngày đầu tiên dạy và học trực tuyến (1-2) đã dành hai tiết đầu để phổ biến các quy định, thống nhất kế hoạch triển khai tới học sinh. Hội đồng sư phạm nhà trường cũng đã xây dựng kế hoạch học trực tuyến đến hết năm học 2020-2021.

Còn theo Quyền Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phúc Thọ Hoàng Mạnh Cường, từ kinh nghiệm ứng phó ở các đợt dịch trước, học sinh chưa có phương tiện học trực tuyến thì học cùng bạn nếu gần nhà nhau, nhưng phải chủ động khai báo y tế, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch dưới sự giám sát của giáo viên, phụ huynh. Ngoài ra, các giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm hỗ trợ thêm bằng các hình thức giao bài khác. Bên cạnh đó, các nhà trường tăng cường tuyên truyền đến giáo viên, học sinh về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, tuân thủ "Thông điệp 5K"(khẩu trang - khử khuẩn - khoảng cách - không tụ tập đông người - khai báo y tế) của Bộ Y tế.

Ở cấp thành phố, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Phạm Xuân Tiến cho biết, ngay từ đầu năm học này, Sở đã quán triệt chủ trương "Tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học" để tất cả đơn vị, trường học sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống. Khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các nhà trường đã chuyển sang dạy, học trực tuyến để bảo đảm an toàn, đồng thời duy trì nền nếp, tiến độ và chất lượng học tập. Ghi nhận sau những ngày đầu triển khai, đại đa số giáo viên và học sinh Thủ đô đã thích ứng nhanh với tình hình mới.  

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ thường xuyên kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 của các trường, yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phải theo dõi sức khỏe của từng học sinh. Trước mắt, thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài tới ngày 16-2-2021, nhưng Sở đã yêu cầu tất cả các trường phải xây dựng kịch bản dạy, học trong điều kiện học sinh chưa thể trở lại trường sau thời điểm này để không bị động trong mọi tình huống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạm dừng đến trường, không dừng việc học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.