(HNM) - Từ nhiều năm nay, các hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu tại làng Thu Thủy, xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) thường xuyên tập kết, đốt rác thải công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Dù các ban, ngành chức năng, chính quyền địa phương đã có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng vi phạm vẫn tái diễn.
Tái phạm liên tục
Thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu có hơn 400 hộ chuyên thu mua bao bì, phế liệu bẩn về tập kết tại dọc đê Bối, Đầm Mó (đoạn sông Cà Lồ) để phân loại, giặt sạch và chuyển đi nơi khác. Những phế liệu thừa sau đó được người dân mang ra các cánh đồng của 3 thôn Thu Thủy, Yên Phú, Xuân Lai đốt vào ban đêm. Các lớp phế liệu mới đổ chồng lên thành tầng dày đặc. Ngoài ra, có một số hộ dân thu mua dây điện gom lại mang ra khu vực đất trống đốt lấy lõi kim loại.
Sáng 25-9, theo quan sát của phóng viên Báo Hànộimới, dọc đê Đầm Mó, thường xuyên có nhiều xe tải chở phế liệu, bao bì về tập kết ở dọc triền đê. Những đống bao bì cũ nát, dây điện, phế phẩm bị vứt tràn lan. Đáng nói, khu vực nghĩa trang của thôn Thu Thủy cũng là nơi người dân mang phế liệu đến để tập kết và đốt. Cứ cách một đoạn là những đống tro màu đen được đốt từ rác công nghiệp. Ông Nguyễn Tiến Đồng, người dân xã Xuân Thu cho biết: "Các hộ làm nghề thu gom phế liệu Thu Thủy thu mua, tập kết bao bì, phụ phẩm rác thải từ các nhà máy. Sau đó, họ chọn phế liệu sử dụng được, thải ra những thứ không thể tái chế, tập kết lên đê Đầm Mó, rồi đốt trộm vào ban đêm...
Không thể để ô nhiễm kéo dài
Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Thu cho biết, tháng 5-2019, Tổ công tác gồm Phòng Tài nguyên và Môi trường, Công an huyện Sóc Sơn, UBND xã, Công an xã Xuân Thu ra quân tổng vệ sinh, xử lý rác thải khu vực vòng ngang thôn Yên Phú, đê Bối, đê Đầm Mó ở thôn Thu Thủy. Song chỉ một thời gian ngắn nhiều hộ lại lén lút tập kết và đốt rác thải công nghiệp. "Thời gian qua chính quyền địa phương chủ yếu chỉ tuyên truyền, tuần tra, nhắc nhở mà chưa xử phạt các hộ đốt rác thải gây ô nhiễm môi trường. Trong ngày 25-9, UBND xã đã yêu cầu 4 hộ vi phạm lấn chiếm, dựng lều lán tại triền đê Đầm Mó ký cam kết không đổ đất, gỗ, phế liệu và các vật liệu khác vi phạm Luật Đê điều" - Ông Phạm Văn Hùng nhấn mạnh.
Còn theo bà Lê Thị Hải, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn, các hộ làm nghề thu gom, tái chế phế liệu ở thôn Thu Thủy không được công nhận là làng nghề, không có hệ thống xử lý rác thải, không có đề án bảo vệ môi trường. Người dân ở đây tận dụng diện tích hơn 10km mặt đê của thôn để tập kết và đốt rác công nghiệp. Trong khi đó, cái khó nhất là địa bàn xã không có điểm thu gom rác thải công nghiệp. Các hộ cũng không thuê đơn vị thu gom, xử lý dù UBND xã, huyện đã vận động ký cam kết nhiều lần, nhưng không thực hiện vì kinh phí chi trả khá cao.
Trả lời về trách nhiệm xử lý của chính quyền sở tại, bà Lê Thị Hải khẳng định, năm 2015, UBND huyện đã giao các phòng, ban chức năng thu dọn toàn bộ chất thải công nghiệp bị đổ trộm, bàn giao địa bàn sạch cho UBND xã Xuân Thu để bảo vệ, duy trì và ngăn chặn tình trạng tái đổ trộm chất thải.
Tuy nhiên, năm 2017, 2018 vi phạm vẫn diễn ra nên UBND huyện Sóc Sơn đã phê bình Chủ tịch UBND xã, thuyên chuyển công tác; yêu cầu UBND xã khẩn trương ký hợp đồng với đơn vị thu dọn và xử lý toàn bộ chất thải công nghiệp bị đổ trộm và tro xỉ đã đốt trên địa bàn xã. Ngoài ra, UBND huyện cũng yêu cầu xã thành lập tổ công tác rà soát, kiểm tra giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, xây dựng đề án và kế hoạch bảo vệ môi trường của các hộ kinh doanh; lập biên bản theo dõi khối lượng chất thải đang tồn tại làm cơ sở xử lý nếu đem đốt hoặc thải bỏ không đúng quy định. Tuy nhiên, cho đến nay các yêu cầu trên đều không được thực hiện do sự thiếu trách nhiệm của UBND xã.
Để khắc phục triệt để tình trạng này, bà Lê Thị Hải cho biết, thời gian tới UBND huyện sẽ tiếp tục yêu cầu Tổ công tác tăng cường tuần tra, xử lý tổ chức, cá nhân, phương tiện đổ trộm chất thải ra môi trường. Theo Nghị định 155/2016/NĐ-CP ngày 18-11-2016 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hành vi tự ý vận chuyển, tập kết, thiêu đốt, đổ chất thải công nghiệp ra ven đê, ao hồ, mương thoát nước sẽ bị xử lý với mức phạt rất cao, có thể truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì vậy, từ nay đến cuối tháng 12-2019, UBND huyện sẽ xử phạt nghiêm một vài trường hợp vi phạm theo Nghị định để tạo sức răn đe.
Đặc biệt, UBND huyện giao cho các phòng, ban liên quan trong quý IV-2019 phải dỡ bỏ các lều, lán không phép dựng tại đê Đầm Mó để tập kết và đốt phế liệu. “Những tồn tại nói trên sẽ chấm dứt khi Tổ công tác hoàn thành giải tỏa các vi phạm trật tự xây dựng trên bờ sông Cà Lồ”, bà Lê Thị Hải khẳng định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.