Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại sao Mỹ vẫn có những lá phiếu đại cử tri?

H.Vân| 08/11/2016 16:19

(HNMO) - Tại sao Mỹ vẫn có những lá phiếu đại cử tri trong khi hiện nay rất dễ dàng để người dân trực tiếp đi bầu tổng thống như họ vẫn thực hiện với tất cả các cơ quan chính trị khác?

Câu hỏi này đã được trang USA Today cung cấp thông tin cho biết, khi công dân Mỹ tham gia các cuộc bầu cử để "bầu" một tổng thống, họ thực tế đang bỏ phiếu cho một lá phiếu đại cử tri đặc biệt.

Tại mỗi bang, trừ bang Maine và Nebraska, ứng cử viên nào giành được nhiều phiếu nhất ở bang đó sẽ nhận được tất cả các phiếu đại cử tri của bang đó. Số phiếu đại cử tri ở mỗi bang bằng tổng số thượng nghị sĩ Mỹ và các đại diện Mỹ của bang đó.

Các đại cử tri gặp nhau ở các bang họ đại diện 41 ngày sau cuộc bầu cử phổ thông. Tại đó, họ sẽ bỏ một lá phiếu bầu tổng thống và một lá phiếu bầu phó tổng thống. Một ứng viên phải nhận được đa số phiếu đại cử tri mới được bầu làm tổng thống.

Lý do mà Hiến pháp Mỹ thêm quy định này, thay vì chỉ tổ chức cuộc bầu cử tổng thống trực tiếp, là vì hầu hết các thành viên sáng lập nước Mỹ đã thực sự lo sợ sự dân chủ. Ông James Madison đã lo lắng về cái mà ông gọi là "phe cánh", theo ông định nghĩa là các nhóm công dân có lợi ích chung với một số đề xuất, có thể vi phạm quyền của các công dân khác hoặc sẽ gây tổn hại cho quốc gia xét về tổng thể.

Sự lo lắng của ông Madison - mà sau này Alexis de Tocqueville gọi là "sự chuyên chế của đa số" - là một nhóm có thể phát triển để chiếm hơn 50% dân số và tới lúc đó, nhóm này có thể "bán rẻ niềm đam mê cầm quyền hoặc lợi ích của cả công chúng và quyền của các công dân khác”. Ông Madison muốn một giải pháp cho sự chuyên chế của đa số: "Một nền cộng hòa, mà theo tôi là một chính phủ với cơ chế đại diện được hình thành, mở ra một triển vọng khác, hứa hẹn giải quyết những gì mà chúng ta tìm kiếm".


Quan điểm về đại cử tri là để bảo vệ "cảm xúc của nhân dân", trong khi đồng thời bảo đảm rằng vị tổng thống được lựa chọn là người có khả năng nhất trong việc phân tích đặc điểm tình hình, hành động tùy theo hoàn cảnh nhưng thiên về sự thận trọng và kết hợp đúng đắn tất cả các yếu tố phù hợp để điều hành sự lựa chọn của họ.

Trong thực tế hiện đại, các đại cử tri chủ yếu mang tính hình thức. Hầu hết các đại cử tri là thành viên trung thành của đảng đã bầu họ và trong số 26 tiểu bang, cùng với Washington DC, các đại cử tri đang bị ràng buộc bởi pháp luật hoặc các cam kết của đảng để bỏ những lá phiếu phù hợp với các phiếu phổ thông. Mặc dù một đại cử tri, về nguyên tắc, có thể thay đổi phiếu bầu của mình nhưng những hành động ngược như vậy là rất hiếm.

Ở các bang, ngoại trừ Maine và Nebraska, các đại cử tri trao quy chế người chiến thắng có mọi phiếu bầu. Chính vì vậy, nếu ứng viên nào chiến thắng ở một bang, thậm chí với khoảng cách hẹp, thì vẫn giành được tất cả các phiếu đại cử tri của bang đó. Hệ thống đầu phiếu một người thắng này không phải là quy định bắt buộc của liên bang, các bang được tự do sử dụng số phiếu đại cử tri như họ muốn.

Đại cử tri đoàn không phải là sự giới hạn Hiến pháp về dân chủ trực tiếp. Ban đầu, các thượng nghị sĩ được chỉ định bởi các cơ quan lập pháp của bang và bang đó được phép hoàn toàn cấm phụ nữ bỏ phiếu. Các nô lệ thậm chí có một thỏa thuận tệ hại hơn, khi một nô lệ chính thức chỉ được tính là 3/5 một người. Tuy nhiên, Tu chính án thứ 14 đã bãi bỏ quy tắc 3/5 và cho phép các cựu nô lệ được quyền bầu cử. Tu chính án thứ 17 cho phép các thượng nghị sĩ được bầu trực tiếp và Tu chính án thứ 19 cho phụ nữ quyền bầu cử.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tại sao Mỹ vẫn có những lá phiếu đại cử tri?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.