(HNM) - Các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực an toàn lao động khá đầy đủ nhưng việc thanh tra, kiểm tra, xử lý chưa triệt để...
- Xin ông cho biết thực trạng về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong năm 2012?
- Năm 2012, cả nước xảy ra 6.777 vụ TNLĐ, làm 606 người chết; chi phí do TNLĐ (tiền thuốc, mai táng, bồi thường cho gia đình người chết và người bị thương…) là 82,6 tỷ đồng, thiệt hại về tài sản là 11 tỷ đồng, tổng số ngày nghỉ do TNLĐ là hơn 85,6 nghìn ngày. 10 địa phương để xảy ra nhiều vụ TNLĐ chết người nhất là: TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Đà Nẵng và Bình Thuận. Những ngành, nghề để xảy ra nhiều TNLĐ nghiêm trọng trong năm 2012 vẫn là lao động giản đơn trong khai thác mỏ, xây dựng, thợ gia công kim loại, thợ cơ khí, thợ vận hành máy, thiết bị.
- Thống kê cho thấy, tỷ lệ lao động bị tai nạn trong khi làm việc ngày càng tăng trong khi số doanh nghiệp có báo cáo thống kê chỉ chiếm 5,1%. Đâu là nguyên nhân của thực trạng này và với những doanh nghiệp không báo cáo, Bộ LĐ-TB&XH có những biện pháp xử phạt như thế nào?
- Đây là vấn đề gây khó khăn nhất cho các cơ quan chức năng. Nhiều địa phương báo cáo không đúng mẫu quy định, chưa thống kê được đầy đủ ngành nghề, số lao động trên địa bàn, số doanh nghiệp, nên cơ quan quản lý rất khó đánh giá chính xác tình hình TNLĐ trên toàn quốc. Đáng lo ngại, năm 2012 chỉ có 19.311 doanh nghiệp tham gia báo cáo, con số này chiếm 5,1% tổng số doanh nghiệp toàn quốc. Về nguyên tắc đã là doanh nghiệp dù sản xuất hay không thì cũng phải báo cáo theo định kỳ nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp coi mình là đơn vị dịch vụ không xảy ra TNLĐ nên không báo cáo. Trong năm 2013 những doanh nghiệp không thực hiện thống kê, báo cáo chúng tôi sẽ kiên quyết xử lý và công khai danh sách những đơn vị này trên các phương tiện truyền thông.
- Lao động ở nông thôn, lao động tự do và di cư chiếm số lượng không nhỏ trong cơ cấu lao động và đây cũng là đối tượng gặp nguy cơ TNLĐ khá lớn. Vậy để bảo đảm ATVSLĐ cho những đối tượng này, Bộ sẽ có những giải pháp gì?
- Những đối tượng này thường không được thống kê trong báo cáo gửi Bộ LĐ-TB&XH. Xuất phát từ thực tế này, Bộ tiến hành thí điểm thống kê qua xã, phường (mới chỉ thực hiện tại tỉnh Quảng Nam và Hà Nam) nhưng số lượng thống kê TNLĐ đã tăng vọt so với báo cáo các địa phương này gửi. Từ kết quả này, Bộ sẽ nhân rộng ra cả nước để có những số liệu chính xác nhất về tình hình TNLĐ, đồng thời bảo đảm bình đẳng về quyền lợi cho lao động di cư và tự do.
Hiện do nguồn lực cũng như quy định của luật pháp mới chỉ quan tâm tới những lao động có hợp đồng. Những lao động ở khu vực nông thôn, di cư và tự do chưa được quan tâm đúng mức. Bộ LĐ-TB&XH cũng đã kiến nghị với Chính phủ có những quy định mở, hướng tới cả những đối tượng không có hợp đồng lao động.
- Được biết, Tuần lễ ATVSLĐ lần thứ 15 có chủ đề: "Tăng cường văn hóa ATLĐ và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc". Để tuần lễ đi vào đời sống cũng như nâng cao nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động, Bộ sẽ có giải pháp gì?
- Để tuần lễ thực sự đi vào đời sống, góp phần làm thay đổi nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động, Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty tăng cường chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị thuộc phạm vi quản lý thực hiện đầy đủ các quy định về ATVSLĐ và các chế độ bảo hộ lao động; chú trọng triển khai công tác huấn luyện ATVSLĐ cho hai đối tượng trên. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền về văn hóa ATLĐ và các biện pháp phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, cháy nổ tại nơi làm việc. Sở LĐ-TB&XH các địa phương cần kiên quyết xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật về ATLĐ, công khai các doanh nghiệp không chấp hành nghiêm chỉnh công tác thống kê báo cáo TNLĐ theo quy định…
- Xin trân trọng cảm ơn ông!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.