Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu các tập đoàn, TCTNN: Đặt lợi ích đất nước lên trên hết

Võ Lâm| 17/01/2013 06:46

(HNM) - Ngày 16-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng các Phó Thủ tướng đã làm việc với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho biết, năm 2012, có 21 DNNN đã được sắp xếp, trong đó 13 DN (3 tổng công ty) được cổ phần hóa, 5 DN sáp nhập, 3 DN chuyển thành công ty TNHH một thành viên. Một số đơn vị khác cũng bắt đầu quá trình tái cơ cấu. Riêng Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), đề án tái cơ cấu đang được các cơ quan có trách nhiệm hoàn tất để trình Bộ Chính trị vào cuối tháng này. 

Việc tái cơ cấu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải được tiến hành thận trọng, tránh để thất thoát tài sản.Ảnh: Khánh Nguyên


Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Bùi Quang Vinh truyền đạt chỉ đạo cơ bản của Chính phủ về các giải pháp phát triển KTXH năm 2013, đại diện một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCTNN), địa phương đã nêu ý kiến, kiến nghị với Chính phủ. Hầu hết ý kiến phát biểu đều là DN làm ăn được, nhưng mong muốn được Chính phủ hỗ trợ nhiều hơn hoặc trao cho cơ chế đặc thù. Đại diện TĐ Dầu khí đề nghị được giữ lại nhiều lợi nhuận hơn, TĐ Than - Khoáng sản đề nghị được hoàn thuế VAT xuất khẩu than, đề nghị được hỗ trợ kinh phí làm hạ tầng bên ngoài hàng rào các dự án đầu tư. Một số ý kiến chỉ ra nhiều lỗ hổng về cơ chế. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Lê Mạnh Hà cho biết, chưa có quy định về trách nhiệm của chủ sở hữu DNNN là UBND cấp tỉnh. Các ý kiến cũng phản ánh, nhu cầu kiểm tra, giám sát hoạt động của DNNN rất cao, nhưng việc đưa kiểm sát viên xuống các TĐ, TCT chưa được thực hiện.

Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, dù chưa đạt được kết quả như mong đợi, các TĐ, TCTNN vẫn thể hiện được nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao cho là nòng cốt của nền kinh tế, lực lượng vật chất quan trọng và công cụ điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã nghiêm khắc chỉ ra, nguyên nhân thua lỗ và hiệu quả thấp của một số TĐ, TCT ngoài yếu tố khách quan còn do điều hành yếu kém. Thủ tướng yêu cầu các TĐ, TCT này phải kiểm điểm nghiêm túc, làm rõ nguyên nhân, nhất là về chủ quan để khắc phục. Đề cập tới trường hợp Vinalines, Thủ tướng cho rằng, tham nhũng lãng phí xảy ra ở đơn vị này đã làm xấu hình ảnh của DNNN. "Các TĐ, TCT không được phép coi thường những biểu hiện tham nhũng, lãng phí. Trong hoạt động phải nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, đề cao tính công khai minh bạch, phải nói thật về kết quả kinh doanh" - Thủ tướng lưu ý.

Không hài lòng vì nhiều TĐ, TCT báo cáo kế hoạch phát triển năm 2013 thấp hơn năm 2012, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu rà soát lại để xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh với quyết tâm cao nhất. Thủ tướng cho rằng, năm 2013 có rất nhiều việc phải làm, nhưng các TĐ, TCT phải tập trung vào mấy việc, trước mắt là hoàn chỉnh điều lệ và quy chế nội bộ để làm cơ sở hoạt động. Cùng với đó là nhiệm vụ đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu. Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý: "Tái cơ cấu không được vội vàng, tránh để thất thoát tài sản nhà nước. Lựa chọn đối tác chiến lược phải đặt lợi ích đất nước lên trên hết".

Trở lại những sai phạm nghiêm trọng của TĐ Vinashin, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, TĐ có 6.000 đảng viên, nhưng suốt quá trình xảy ra nhiều sai phạm mà Thủ tướng Chính phủ không nhận được bất kỳ đơn thư nào. Thủ tướng yêu cầu các TĐ, TCTNN phải tập trung cho công tác xây dựng Đảng, không được để cơ sở Đảng bất động như ở Vinashin. Đánh giá cao vai trò của lãnh đạo các TĐ, TCT, Thủ tướng Chính phủ mong muốn: " Vì trách nhiệm với đất nước, với danh dự bản thân, mỗi người cần gương mẫu và quyết tâm vượt qua khó khăn".

Thủ tướng Chính phủ đề nghị các TĐ, TCT tiếp tục gửi kiến nghị lên Chính phủ. Ban chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN sẽ tập hợp ý kiến, phân loại để giao cho các bộ, ngành giải quyết. Chính phủ sẽ tiếp tục khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện các cơ chế, chính sách cũng như giải quyết các kiến nghị của các TĐ, TCT với tinh thần tạo điều kiện tốt nhất cho DNNN.

Trong năm 2012, tổng doanh thu các TĐ, TCTNN đạt trên 1,621 triệu tỷ đồng, tăng 2% so thực hiện năm 2011, nhưng chỉ đạt 92% kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 127.510 tỷ đồng, giảm 5% so với thực hiện năm 2011. Tỷ suất lợi nhuận/vốn chủ sở hữu bình quân đạt 17,4%. Tổng nộp ngân sách của các TĐ, TCTNN là 294.000 tỷ đồng, đạt 100% kế hoạch năm, nhưng giảm 12% so với thực hiện năm 2011. Kết quả kinh doanh của các TĐ, TCTNN cũng không đồng đều, nơi doanh thu cao, nơi giảm, thậm chí lỗ nặng. Tổng nợ phải trả của các TĐ, TCTNN đã lên tới trên 1,334 triệu tỷ đồng. Hệ số nợ phải trả/vốn sở hữu bình quân là 1,82 lần. Xét tổng thể, hệ số nợ này vẫn nằm trong giới hạn cho phép, nhưng một số TĐ, TCT đã vượt qua mức an toàn.

Trung tướng Hoàng Anh Xuân, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel:
Cần cải cách thủ tục, xây dựng cơ chế mới

Hiện nay, nếu muốn đấu thầu ở nước ngoài, như tại Mozambique, chúng tôi phải đặt cọc tiền trước. Nhưng quy định trong nước là phải có giấy phép kinh doanh mới cho chuyển tiền. Để làm được thủ tục này, chúng tôi phải theo rất sát mà vẫn mất hàng tháng, trong khi thời hạn tham gia đấu thầu ở nước ngoài thường rất ngắn. Nếu không rút ngắn thủ tục hành chính, chúng ta sẽ bỏ lỡ nhiều cơ hội của doanh nghiệp. Tôi đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về đầu tư gián tiếp. Chúng tôi có thể mua lại doanh nghiệp của nước ngoài, nhưng chưa có quy định về việc này.


Ông Thân Đức Nam, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cienco 5:
Ngân hàng phải hết lòng với doanh nghiệp

Tôi cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp nên dũng cảm nói thật. Nếu không cố níu giữ được nữa, thì nên tuyên bố phá sản. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng phải hết lòng giúp đỡ doanh nghiệp. Vì doanh nghiệp có sống được thì nền kinh tế mới khỏe và ngân hàng mới phát triển. Nếu xét thấy các kế hoạch khôi phục của các doanh nghiệp khả thi thì nên ủng hộ. Hiện nay tôi thấy, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn quá. Các doanh nghiệp lớn đã khó, tôi nghĩ các doanh nghiệp nhỏ hơn chắc còn khó hơn nhiều.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu các tập đoàn, TCTNN: Đặt lợi ích đất nước lên trên hết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.