Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại chợ Đồng Xuân: Khi giọt nước tràn ly

Hoàng Anh| 26/11/2014 06:20

(HNM) - Xung quanh chuyện tăng giá cho thuê địa điểm kinh doanh tại chợ Đồng Xuân, có thể nhận thấy việc tăng giá sạp không phải là chuyện lớn...


Khó tránh tăng giá thuê sạp

Chiều 21-11, hàng trăm tiểu thương chợ Đồng Xuân đã tập trung tại trụ sở Công ty cổ phần Đồng Xuân (CTCPĐX), bức xúc về việc điều chỉnh giá cho thuê sạp, ki ốt. Ngay sau đó, ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc Công ty cùng ban lãnh đạo đã đối thoại trực tiếp, giải đáp thắc mắc của các tiểu thương. Liên tục tới ngày 26-11, ba tổ tiếp nhận ý kiến đóng góp của CTCPĐX đã làm việc để giải đáp và tổng hợp ý kiến phản ánh của các hộ kinh doanh. Hầu hết, tiểu thương đều đề nghị được giữ nguyên mức giá cho thuê cũ. Song, phía CTCPĐX lý giải, việc tăng giá thuê sạp là khó tránh. 

Việc tăng giá cho thuê địa điểm kinh doanh đang gây lo lắng cho nhiều tiểu thương chợ Đồng Xuân.


Theo thông báo được gửi tới hộ kinh doanh, mức giá mới dự kiến áp dụng từ năm 2015 như sau: Các sạp hàng có mức giá thấp nhất ở khu vực A1 sẽ tăng từ 339 nghìn đồng/tháng/sạp lên 397 nghìn đồng, khu vực A2 đang có giá 370 nghìn đồng/tháng/sạp tăng lên 433 nghìn đồng. Một số sạp có vị trí đẹp của khu vực A1 đang có mức giá cũ là 943 nghìn đồng/tháng/sạp sẽ tăng lên 1,1 triệu đồng, khu vực A2 sẽ tăng từ 643 nghìn đồng/tháng/sạp lên 742 nghìn đồng. "Trung bình mỗi sạp chỉ tăng trên dưới 100 nghìn đồng/tháng. Mức tăng này sẽ ổn định trong 2,5 năm đầu tiên và 2,5 năm tiếp theo cũng chỉ tăng thêm tương đương như vậy. Sạp tăng cao nhất chỉ trên 300 nghìn đồng/tháng do vị trí đẹp, nhưng số này rất ít", ông Đỗ Xuân Thủy giải đáp.

Cơ sở điều chỉnh giá mới được CTCPĐX thông báo rõ ràng. Căn cứ vào thông báo của Cục Thuế TP Hà Nội về đơn giá thuê đất, tiền thuê đất tại chợ Đồng Xuân giai đoạn 2014-2019, tăng 249% so với đơn giá cũ. Cụ thể, tiền thuê đất của chợ 5 năm trước là 2 tỷ 468 triệu đồng, trong 5 năm tới (2015-2019) là 6 tỷ 150 triệu đồng. Ngoài ra, chợ còn phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 163 triệu đồng/năm. Đồng thời, căn cứ chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí bảo dưỡng, nâng cấp công trình chợ tăng bình quân 7%/năm, căn cứ tỷ lệ tăng các khoản chi phí quản lý bao gồm chi phí tiền lương, tiền công, chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bình quân giai đoạn 2010-2014 là 14%/năm; các khoản chi phí dịch vụ để vận hành chợ như: Điện, nước, quét dọn vệ sinh, thu gom rác, điện thoại… bình quân tăng 10%/năm.

Hiện nay, CTCPĐX đang quản lý 2.140 hộ kinh doanh và trên 700 ki ốt. Theo ông Đỗ Xuân Thủy, mức giá điều chỉnh tăng trong giai đoạn 2015-2019 đã được xem xét kỹ lưỡng và tăng có lộ trình. "Mức tăng mới chỉ tính trên cơ sở những chi phí tối thiểu để vận hành chợ, chưa tính tới yếu tố tái đầu tư phát triển. Chúng tôi phải lấy nguồn thu từ nhiều dịch vụ kinh doanh khác để bù đắp, bởi vậy có thể nói công ty đã có sự chia sẻ những khó khăn với tiểu thương", ông Đỗ Xuân Thủy cho biết.

Không chỉ là chuyện 100 nghìn đồng

Với những căn cứ mà CTCPĐX đưa ra, rõ ràng việc tăng giá cho thuê địa điểm kinh doanh là hợp tình, hợp lý nhằm vận hành một khu chợ có trên 2 nghìn sạp hàng. Thực ra, đây không phải là số tiền quá lớn so với việc đầu tư hàng tỷ đồng vốn để duy trì việc kinh doanh của một sạp hàng, đặc biệt là những mặt hàng có giá trị cao như vải sợi, thiết bị điện tử, vàng bạc, viễn thông… Nhưng, tại sao tiểu thương chợ Đồng Xuân lại phản đối?

Chị Thúy Hằng, chủ quầy 373A2 than phiền: "Chợ bây giờ khách vắng hơn trước rất nhiều, có những ngày đến 1h chiều mà vẫn chưa có khách mở hàng". Còn chị Ngọc Phương, chủ quầy 86A2 lo lắng: "Từ khi các trung tâm thương mại lớn ra đời, việc kinh doanh càng trở nên khó khăn hơn. Chúng tôi lao động cật lực cả 365 ngày không dám nghỉ bởi tiền thuế kinh doanh, tiền thuê sạp không được khấu trừ bất kể ngày nào. Nhà nước đang có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng tiểu thương chúng tôi không được hỗ trợ". Anh Trần Tài, một tiểu thương ở chợ Bắc Qua tâm sự: "Bây giờ tới mặt hàng táo, cam người ta còn vào Metro, Big C để mua buôn về bán lẻ, chứ chẳng ai còn muốn vào chợ để lấy hàng".

Phản ứng của tiểu thương với việc tăng giá thuê sạp không chỉ diễn ra tại chợ Đồng Xuân, mà câu chuyện chung của tiểu thương nhiều chợ truyền thống. Hiện nay, trên địa bàn thành phố đã có tới 135 siêu thị và 28 trung tâm thương mại. Theo quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2020, định hướng 2030, Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển thêm 1 nghìn siêu thị và 64 trung tâm thương mại nữa. Rõ ràng, thị phần của tiểu thương chợ Đồng Xuân đang ngày càng teo tóp.

Cần giải pháp đồng bộ

Những lo lắng của tiểu thương chợ Đồng Xuân hay áp lực của ban lãnh đạo CTCPĐX trước việc thuyết phục tiểu thương đồng thuận với chủ trương tăng giá sẽ chưa có hồi kết nếu không đưa ra được những giải pháp đồng bộ. Công bằng mà nói, thời gian qua CTCPĐX đã đầu tư có trọng tâm để nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo không gian, cảnh quan kinh doanh văn minh hiện đại như: Cải tạo mới vòm, quét sơn mới toàn bộ chợ, lắp đặt hệ thống chiếu sáng công cộng, thay thế thang cuốn, thang máy, làm mới hệ thống thang bộ, lắp đặt camera giám sát an ninh 24/24h... Nhờ tổng số tiền đầu tư 5 năm vừa qua lên tới 25,75 tỷ đồng, chợ đã có môi trường vệ sinh sạch đẹp hơn.

Tuy nhiên, yếu tố con người và việc thay đổi phương thức kinh doanh mới là điểm mấu chốt để kéo khách đến chợ. Đáng tiếc là chợ Đồng Xuân vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế đặc trưng của chợ truyền thống, ví như nói thách giá, chất lượng sản phẩm chưa đa dạng, ít hàng Việt Nam chất lượng cao, nhiều sản phẩm có nguồn gốc chưa rõ ràng, hàng hóa không được bảo hành chất lượng. Rất ít tiểu thương mở shop bán hàng điện tử, lập website riêng cho sạp hàng, phủ sóng wifi, thanh toán bằng ngân hàng điện tử…

Thực trạng trên đòi hỏi một chiến lược đầu tư dài hạn hơn, trong việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, cải tạo mở rộng hạ tầng giao thông động và giao thông tĩnh, hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh tại chợ. Đặc biệt, cần có kinh phí để tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng bán hàng phù hợp với xu thế hiện đại, đào tạo văn hóa kinh doanh cho tiểu thương. Thách thức thì lớn nhưng giải pháp lại rất nhỏ. Chỉ riêng giải pháp tăng giá để duy trì hoạt động bình thường của chợ còn khó khăn thì chưa thể nói tới các kế hoạch mở rộng phát triển, tái đầu tư.

Năm 2013, lợi nhuận trước thuế của CTCPĐX là trên 19 tỷ đồng, nộp ngân sách trên 11 tỷ đồng, từ nhiều nguồn thu khác nhau. Không thể phủ nhận hơn 2 nghìn hộ kinh doanh của chợ Đồng Xuân có đóng góp không nhỏ cho ngân sách. Nhưng, việc hỗ trợ ưu đãi trong kinh doanh còn rất hạn chế, tiểu thương chợ Đồng Xuân chưa được hưởng các chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi và còn nhiều khoảng trống trong việc tiếp cận với các chương trình hỗ trợ từ ngành công thương như tập huấn kỹ năng bán hàng, thương mại điện tử, hỗ trợ các chiến lược tiếp thị, quảng bá bài bản, chuyên nghiệp.

Rõ ràng, câu chuyện tăng giá thuê sạp không lớn, nhưng nóng lên vấn đề là chợ Đồng Xuân cần có sự "lột xác" toàn diện mà chỉ các hộ kinh doanh hay đơn vị quản lý trực tiếp là CTCPĐX không thể thực hiện được. Cần có sự hỗ trợ thiết thực, nhiều chiều để một khu chợ có lịch sử phát triển lâu đời, một biểu trưng của ngành thương mại Thủ đô phát triển mạnh mẽ, hiệu quả hơn trước sự cạnh tranh khốc liệt đến từ các tập đoàn bán buôn, bán lẻ lớn từ nước ngoài.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại chợ Đồng Xuân: Khi giọt nước tràn ly

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.