Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại Cầu Trắng, quận Hà Đông: Dải phân cách hay... bẫy?

Đặng Vũ| 04/01/2016 07:07

(HNM) - Nằm trên trục đường Trần Phú, đoạn thuộc địa phận phường Yết Kiêu (Hà Đông) có cây Cầu Trắng bắc qua Sông Nhuệ. Gần đây, tại Cầu Trắng thường xảy ra những vụ tai nạn giao thông không đáng có mà nhiều người cho rằng phần lớn lỗi tại phần thiết kế hạng mục của cầu.

Dải bê tông nhỏ chạy dọc cầu là chướng ngại vật khiến nhiều người tham gia giao thông gặp nạn.


Khoảng 21h30 ngày 5-12-2015, tại Cầu Trắng đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông với một người điều khiển xe máy đi theo hướng từ Hà Đông đi Hà Nội. Tại thời điểm xảy ra tai nạn, cùng hướng chiếc xe máy di chuyển không quá đông và không có ô tô. Song, người điều khiển phương tiện đã cho xe "bay" lên dải bê tông là dải phân cách cố định nằm giữa cầu. Hậu quả, chiếc xe máy đổ nhào ra đường, người điều khiển phương tiện bất tỉnh. Trước đó, vào hồi 17h50 ngày 15-11, cũng tại đây, anh Vũ Văn Hậu ở xã Phú Cường, TP Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên điều khiển xe máy BKS 17B8-00146 theo hướng Hòa Bình - Hà Nội cũng đã bị tai nạn do tự va vào dải phân cách cố định giữa cầu và tử vong vào sáng hôm sau.

Theo người dân sống quanh khu vực Cầu Trắng, dải phân cách này không chỉ gây tai nạn giao thông với người đi xe máy mà còn là nỗi kinh hoàng với các tài xế ô tô.

Cụ thể, khoảng 19h15 ngày 19-4-2015, xe ô tô 4 chỗ BKS 29A-14573 đi theo hướng Hà Nội - Hòa Bình cũng đã "trèo" lên dải phân cách cố định giữa cầu… Sau mỗi lần có tai nạn xảy ra, cơ quan chức năng lại cho dựng mấy cột nhỏ ở đầu dải phân cách, có sơn phản quang… Nhưng chỉ được 1, 2 ngày những chiếc cột thay biển báo này lại bị đổ, gãy hay "mất tích" do bị người đi đường đâm phải gây hỏng và sau đó mọi việc lại rơi vào quên lãng.

Quan sát khu vực Cầu Trắng, chúng tôi nhận thấy tại mỗi chiều đường trên cầu được tách thành hai phần đường riêng biệt nhờ một dải bê tông nhỏ chạy dài theo thân cầu. Dải bê tông phân định này cao hơn 20cm, có mặt cắt chiều ngang chỉ rộng khoảng 20cm. Hai đầu của dải bê tông này có độ vát chéo nhưng không có sơn phản quang, hoặc sơn phản quang đã mờ, không còn tác dụng. Do dải bê tông phân định làn đường thấp, lại nhỏ và phản quang quá mờ nên khiến nhiều người đi đường không kịp nhận thấy "chướng ngại vật" và đã va phải, tự gây tai nạn.

Một số ý kiến cho rằng, dải phân cách cố định này là một phần kết cấu của cầu, gắn kết giữa hai làn cầu nên rất khó có thể xóa bỏ dải phân định đó. Thiết nghĩ, dải phân định cầu này hiện đã không còn phù hợp với thực trạng tham gia giao thông hiện nay nên gây nhiều vụ tai nạn không đáng có, trong khi đó các biện pháp bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông lại không có hoặc có nhưng không hiệu quả. Chính vì vậy, đề nghị các cơ quan chức năng quản lý cầu đường sớm nghiên cứu và có biện pháp để xóa bỏ "chướng ngại vật". 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại Cầu Trắng, quận Hà Đông: Dải phân cách hay... bẫy?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.