Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tại cả... đôi bên?

Thế Phương| 23/07/2015 06:46

(HNM) - Bộ Tài chính đã có công văn gửi Cục thuế các tỉnh, thành phố yêu cầu: Công bố thông tin và tổ chức cưỡng chế nợ thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế (công văn này có kèm theo phụ lục danh sách 600 doanh nghiệp nợ thuế của 63 tỉnh, thành phố).


Các giải pháp được đưa ra là phong tỏa tài khoản hoặc thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng đối với các doanh nghiệp chây ỳ... Đây có thể xem là giải pháp cần thiết sau những nỗ lực vận động, tuyên truyền và "mạnh" hơn là bêu tên những doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Theo một thống kê, tỷ lệ nợ thuế ngày càng tăng trong những năm gần đây, và tính đến cuối tháng 6, con số này đã lên tới 72.000 tỷ đồng, bằng 10% số thu và gấp đôi so với chỉ tiêu Quốc hội cho phép. Công bằng mà nói, trong bối cảnh hàng vạn doanh nghiệp vẫn làm ăn thua lỗ, không có khả năng giải quyết hàng tồn kho... thì việc thu đủ thuế là hết sức khó khăn; cũng vì vậy mà ngành tài chính đã phải đưa ra nhiều giải pháp để "bồi dưỡng nguồn thu".

Tuy nhiên, cũng có không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ với nghĩa vụ thuế. Trong kinh doanh, "tiền đẻ ra tiền", chậm nộp thuế ngày nào đồng nghĩa với việc có thêm vốn, có thêm sức cạnh tranh, hoặc bần cùng bất đắc dĩ... gửi ngân hàng cũng có lãi. Do vậy, dù bị các phương tiện thông tin đại chúng bêu tên, uy tín doanh nghiệp bị giảm sút trước công chúng, đối tác, nhưng nhiều "đại gia" vẫn không cảm thấy "rát mặt". Thậm chí có "đại gia" như Công ty CP Sông Đà - Thăng Long nợ thuế lên tới gần 400 tỷ đồng, Công ty CP Dịch vụ dầu khí Saigon nợ thuế hơn 195 tỷ đồng...

Việc một số "đại gia" được "quyền" chậm nộp thuế đã dẫn đến nhiều hệ lụy khi doanh nghiệp này buộc phải thực hiện nghĩa vụ thuế, doanh nghiệp khác lại... có thể không. Thế nên, đồng loạt cưỡng chế những đối tượng có số tiền nợ thuế lớn nhất trên địa bàn, có các khoản tiền thuế nợ đã quá 121 ngày, cơ quan thuế đã đôn đốc, nhắc nhở, phạt vi phạm hành chính nhưng vẫn chưa thực hiện nghĩa vụ thuế (như tinh thần công văn của Bộ Tài chính) là hết sức cần thiết. Nhưng, giải pháp này có mang lại hiệu quả như mong muốn?

Luật quản lý thuế, với những quy định khá đầy đủ về trách nhiệm của các bên thu thuế và nộp thuế - trong con mắt của nhiều nhà quản lý - không dễ để các doanh nghiệp chây ỳ, nhưng nợ thuế đã trở thành vấn nạn rất đáng lo ngại. Có một thực tế đã được đưa ra nhiều diễn đàn là việc, thay vì đánh giá đúng thực trạng của doanh nghiệp để đưa ra các giải pháp nhằm thu đủ cho ngân sách, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp phát triển, một bộ phận công chức ngành thuế đã "đồng hành" với doanh nghiệp bằng sự "cả nể", "nuông chiều", thậm chí "trợ giúp", "bắt tay" doanh nghiệp "lách" qua những quy định của Nhà nước. Điều này không chỉ gây bức xúc trong dư luận xã hội mà còn góp phần làm cho tình trạng nợ đọng thuế thêm trầm trọng.

Người xưa có câu "Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên". Để giải quyết tình trạng nợ đọng thuế hiện nay, bên cạnh việc đưa ra các chế tài, các giải pháp quyết liệt với các doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ thuế, cần xử lý nghiêm minh các công chức ngành thuế có hành vi vòi vĩnh, hoặc thông đồng trợ giúp doanh nghiệp chậm nộp thuế, trốn thuế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại cả... đôi bên?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.