(HNMCT) - Nhạc sĩ sống tốt nhờ tiền tác quyền, những vụ tranh chấp về bản quyền được giải quyết nhanh với sự thiện chí, hiểu luật của các bên..., đó là những gì công chúng có thể thấy trong câu chuyện tác quyền âm nhạc hôm nay. Sự thay đổi lớn này là điều tất yếu trong xu thế phát triển, nhưng cũng cho thấy sự nỗ lực của nhiều phía.
Những con số đáng mừng
Mới đây, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết: Sau 20 năm thành lập (2002 - 2021), phía trung tâm đã thu được 1.063 tỷ đồng phí tác quyền cho các tác giả âm nhạc. Tổng số tiền mà VCPMC thu được tăng qua từng năm. Trong đó, năm 2002 là 78 triệu đồng, năm 2012 thu 48 tỷ đồng, tới năm 2021 là 160 tỷ đồng và năm nay dự kiến đạt trên 230 tỷ đồng - chạm mục tiêu đã đề ra là 10 triệu USD/năm.
Theo nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC, tính đến tháng 9-2022, Trung tâm đã ký thỏa thuận ủy quyền với 86 tổ chức quản lý tập thể quyền, nhà sản xuất, nhà xuất bản có cùng lĩnh vực, với phạm vi điều chỉnh ở gần 160 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện VCPMC đang thực hiện cấp phép và thu tiền sử dụng quyền tác giả âm nhạc đối với hơn 20 lĩnh vực sử dụng âm nhạc như: Biểu diễn nghệ thuật, phát thanh - truyền hình, sản xuất, phát hành bản ghi âm, ghi hình, phát hành trực tuyến, website và app nhạc, mạng xã hội, nhạc chuông nhạc chờ, sao chép quảng cáo, nhạc phim, phương tiện giao thông, các lĩnh vực dịch vụ có sử dụng nhạc tại các địa điểm kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, resort, phòng karaoke, quán bar, cà phê, phòng trà, siêu thị, cửa hàng, rạp chiếu phim...
Con số này cho thấy, tác quyền thực sự là “địa hạt màu mỡ”, nếu được quản lý, khai thác tốt thì sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ. Về phía các nhạc sĩ, họ cảm thấy rất vui bởi nguồn thu từ tác quyền ngày một minh bạch, có ý nghĩa hơn với đời sống cá nhân. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cho biết, anh tham gia Trung tâm từ năm 2006. Khi đó, tiền tác quyền nhận được là 9 triệu đồng và đến năm 2021, số tiền nhận được là hơn 1,2 tỷ đồng. Nhạc sĩ Giáng Son cũng cho hay, số tiền tác quyền mỗi năm chị nhận được ngày một nhiều hơn.
Ngày càng minh bạch
Nhớ lại trước đây, tác quyền luôn là vấn đề khiến các nhạc sĩ phải đau đầu. Nhạc sĩ Hoài An chia sẻ: "Đối với giới sáng tạo, việc tự mình phải đi lấy tiền bản quyền, gặp gỡ các trung tâm mà họ sử dụng nhạc của mình nhưng không có thiện chí thì rất đau lòng. Tôi từng gặp trường hợp khó chịu đến mức muốn bỏ luôn".
Ngay cả với các đơn vị bảo vệ quyền tác giả, việc quản lý tác quyền cũng gặp nhiều khó khăn. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, việc thiếu công cụ kiểm đếm chính xác số lượng ca khúc đã được sử dụng khiến nhiều người hoài nghi về tính hiệu quả trong hoạt động của VCPMC.
Đến nay, ngày càng có nhiều đơn vị tham gia vào việc bảo vệ quyền tác giả trên các môi trường khác nhau, giúp nghệ sĩ bảo đảm quyền lợi của mình và tạo ra một môi trường thực thi quyền tác giả minh bạch tại Việt Nam. Chị Ngọc Diệp, người hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc số cho biết: “Một số vụ vi phạm bản quyền gần đây được phát hiện, giải quyết nhanh chóng đã cho thấy hiện giờ, việc xâm hại bản quyền trót lọt không dễ như trước. Mọi người có ý thức rất cao về bản quyền. Theo tôi, trong vấn đề bản quyền ở Việt Nam thời gian gần đây tốt hơn có công rất lớn của YouTube và một số nền tảng âm nhạc số khác bởi những nền tảng này có công cụ quản lý bản quyền rất hiệu quả. Công cụ đó là quy định (dựa trên Luật Sở hữu trí tuệ), nền tảng công nghệ giúp đo đếm chính xác và có khả năng quét bản quyền. Nó giống hành lang pháp lý, tự thiết lập môi trường làm ăn hợp pháp, bảo đảm tất cả cùng có lợi”.
Luật sư Lê Thị Thu Hương, Giám đốc Công ty Luật TNHH T2H đánh giá: “Hiệu quả thực thi quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc dựa trên hai yếu tố: Một là nhận thức của nghệ sĩ về tầm quan trọng của việc đăng ký bản quyền tác giả đối với các tác phẩm âm nhạc. Thứ hai là vai trò của cơ quan nhà nước trong việc xây dựng, thực thi các quy định của pháp luật liên quan đến bản quyền tác giả. Liên quan đến yếu tố thứ hai, có thể kể đến sự chủ động, tích cực phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc hoàn thiện Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, trong đó có những nội dung điều chỉnh chính sách thực thi bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan, bổ sung thêm một số chính sách khuyến khích sáng tạo, đổi mới việc khai thác quyền sở hữu trí tuệ. Cùng với đó, các quy định về xử phạt đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả ngày càng chặt chẽ hơn. Việt Nam đã trở thành thành viên của Hiệp ước WCT và Hiệp ước WPPT. Đây là tiền đề góp phần nâng hiệu quả thực thi bản quyền tác giả trong lĩnh vực âm nhạc tại Việt Nam hiện nay”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.