(HNM) - Đối với mỗi người làm báo chúng tôi, được tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa là một vinh dự nghề nghiệp lớn. Vượt qua không ít khó khăn, mỗi người cầm bút đều nỗ lực mang đến những tác phẩm báo chí phản ánh thật sinh động, hấp dẫn về cuộc sống, sinh hoạt, tâm tư tình cảm của quân, dân nơi đảo xa.
Tác nghiệp nơi đầu sóng, ngọn gió
Tháng 5-2018, tôi may mắn được tham gia Đoàn công tác số 12 gồm đại diện nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa. Lần đầu tiên đến với Trường Sa, kinh nghiệm tác nghiệp chưa có nên tôi phải tìm hiểu qua báo chí, từ đồng nghiệp đi trước mà lòng vẫn chưa thể yên tâm. Thật may khi lên tàu, và trong suốt hải trình, tôi luôn nhận được sự giúp đỡ nhiệt tình của đồng nghiệp, các cán bộ, chiến sĩ hải quân.
Phóng viên Báo Hànộimới trò chuyện với chiến sĩ trên đảo Sinh Tồn Đông. |
Điều đầu tiên có thể cảm nhận được là muốn tác nghiệp ở đảo thì bản thân phải có sức khỏe tốt và bền bỉ. Đoàn công tác được sắp xếp đến thăm 10 đảo, 1 nhà giàn với thời gian đi và về chỉ có 8 ngày, lịch làm việc dày đặc. Với những phóng viên báo viết như tôi, hành trang tác nghiệp tương đối gọn nhẹ, nhưng với phóng viên truyền hình thì vất vả hơn nhiều. Địa hình các đảo cũng khác nhau, từ các đảo chìm chỉ có diện tích nhỏ như Tốc Tan, Núi Le, Len Đao… đến các đảo lớn như Song Tử Tây, Sơn Ca, Trường Sa Lớn… Lên xuống đảo cùng phóng viên Thạch Anh (Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC) là bộ thiết bị nặng gần chục ki lô gam gồm máy quay, chân đế, micro… “Vác máy quay, đi bộ dưới nắng gắt quanh những đảo lớn là một cực hình đối với tôi. Nhưng để đưa được những hình ảnh đẹp, chân thực về cuộc sống của quân và dân trên các đảo đến với nhân dân cả nước, tôi cho rằng những vất vả đó là xứng đáng” - phóng viên Thạch Anh chia sẻ.
Với phóng viên, việc cập nhật nhanh chóng những tin tức thời sự là yếu tố cực kỳ quan trọng. Trong những năm qua, với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và Bộ Quốc phòng, sóng điện thoại trên các đảo, điểm đảo và nhà giàn đã ổn định, tuy nhiên, việc kết nối internet còn rất khó khăn. Những ngày lênh đênh trên biển, chiếc điện thoại thông minh gần như vô dụng. Suốt 4 ngày đầu tiên của hải trình, chúng tôi đều thấy phóng viên Hoàng Tuyến (Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Lạng Sơn) mang máy tính lên boong tàu, cố gắng kết nối mạng internet nhưng không thành. “Đành phải đổi phương án tác nghiệp sang làm phóng sự thôi” - phóng viên Hoàng Tuyến đã thốt lên.
Khác với những phóng viên mới công tác biển đảo lần đầu như tôi, phóng viên Đăng Khoa (Đài Phát thanh truyền hình Vĩnh Long) là người dày dạn kinh nghiệm tác nghiệp ở vùng biển đảo phía Nam Tổ quốc nên mỗi khi lên đảo, anh vừa ghi hình, vừa bật máy tính tranh thủ gửi thông tin về hoặc có những lúc, anh thức dậy từ sáng sớm để “vớt” mạng internet.
Đến với Trường Sa, bên cạnh những khó khăn kể trên, thách thức lớn nhất đặt ra đối với các phóng viên là phải tìm ra đề tài mới. Cuộc sống, chiến đấu của quân dân trên quần đảo Trường Sa dường như đã được các đồng nghiệp đi trước khai thác kỹ, nếu không có sự chuẩn bị thì quá trình tác nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Phóng viên Trần Thường (Báo điện tử Vietnamnet) lần đầu đến với Trường Sa nên đến đảo nào, anh đều cố gắng quan sát, tìm tòi và ghi chép. “Đề tài của tôi hướng đến những vấn đề gắn với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, để làm nổi bật sự nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, vất vả của quân dân trên các đảo” - phóng viên Trần Thường nói. Có lẽ trong chuyến đi của chúng tôi, may mắn nhất vẫn là Đăng Khoa khi anh tình cờ khai thác được một đề tài độc đáo tại đảo Nam Yết: Một ngư dân lâm bệnh được cán bộ, chiến sĩ trên đảo phẫu thuật, cứu sống kịp thời. “Vừa ghi hình, tôi vừa thực sự xúc động trước tình cảm quân dân bền chặt ở nơi đây” - anh Đăng Khoa chia sẻ.
Mang Trường Sa đến gần hơn với đất liền
Cùng tham gia đoàn công tác với chúng tôi, cũng là lần thứ hai đến với Trường Sa, phóng viên Ngọc Chí (Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Kon Tum) cho rằng, những vất vả khi tác nghiệp ở nơi đây vẫn chưa thấm gì so với những khó khăn mà các cán bộ, chiến sĩ phải đối mặt, vượt lên nơi đây. “Bản thân tôi cảm thấy mình cần có trách nhiệm nhiều hơn trong tác nghiệp, làm sao để đưa đến đồng bào cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài những hình ảnh sinh động, chân thực nhất về tình cảm giữa đất liền với đảo và cuộc sống của cán bộ, chiến sĩ, người dân trên đảo; khơi dậy trong tâm khảm mỗi người tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước” - anh Ngọc Chí bày tỏ.
Lần thứ ba đến với Trường Sa, cảm xúc của nhà báo Phạm Báu, Phó Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Thanh Hóa vẫn vẹn nguyên như lần đầu. Nhà báo Phạm Báu chia sẻ: “Mỗi chuyến đi, tôi đều cảm nhận được tinh thần hối hả của những người làm báo khi đến với Trường Sa, luôn tranh thủ để tác nghiệp, để đưa Trường Sa đến gần hơn với đất liền. Tôi cho rằng cần tiếp tục tạo điều kiện cho đội ngũ những người làm báo ở khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước được đến với Trường Sa, để những thông tin về nơi đây được chuyển tải kịp thời, chân thực, đầy đủ đến nhân dân cả nước".
Nhận định về đề tài tác nghiệp qua chuyến công tác tại Trường Sa cùng chúng tôi, nhà báo Phan Cư, Tổng Biên tập - Giám đốc Đài Phát thanh truyền hình tỉnh Kon Tum cho rằng, với tính linh hoạt, sáng tạo của những người làm báo, mỗi phóng viên, biên tập viên sẽ có cách nhìn khác nhau về một sự vật, hiện tượng. Mỗi chuyến đi là mỗi lần trào dâng cảm xúc khác nhau về phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, nên đề tài về Trường Sa chưa bao giờ cũ. Điều quan trọng là, phóng viên cần chủ động tìm kiếm đề tài tác nghiệp từ thực tế. Mặt khác, trước mỗi chuyến đi, Ban Biên tập cần định hướng chủ đề phù hợp với tôn chỉ, mục đích của từng cơ quan báo chí nhằm giúp phóng viên chủ động trong quá trình tác nghiệp.
Trong suốt hành trình đến với quần đảo Trường Sa, hành trang của các phóng viên, nhà báo chúng tôi mang theo không chỉ là những thiết bị tác nghiệp mà hơn hết là tấm lòng, tình cảm của mình với quân dân nơi đảo xa. Thật vinh dự khi được làm những cánh chim nối liền thông tin giữa đất liền và những người đang kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió, để mỗi người Việt Nam thêm tự hào về biển đảo quê hương, chung sức, đồng lòng bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.