(HNNN) - Những năm gần đây, Sydney được coi là đại diện cho những thành tựu khoa học công nghệ lớn nhất của nhân loại. Điều đó bắt nguồn từ một nền móng vững chắc là lịch sử xây dựng và phát triển trên 2 thế kỷ.
Được thành lập năm 1788, Sydney là thành phố lâu đời nhất, lớn nhất và nổi tiếng nhất của Australia. Sydney hiện có diện tích 12.144,6km2, dân số hơn 6 triệu người - đông dân nhất Australia và được coi là thành phố có dân số trẻ với tuổi trung bình của cư dân chỉ trên 36 tuổi.
Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Loughborough (Vương quốc Anh), Sydney gây ấn tượng mạnh vì đây là nơi tạo điều kiện tốt nhất cho những ý tưởng mới xuất hiện và trở thành hiện thực. Trong 40 năm sau ngày thành lập, Sydney đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình trọng yếu và đến năm 1822 đã có diện mạo một thành phố cận hiện đại, được tổ chức và quản lý tốt. Bắt đầu từ thập niên 1830 là giai đoạn phát triển đô thị gắn liền với cuộc “đổ bộ” của di dân từ Vương quốc Anh và nhiều quốc gia kéo dài trong nhiều thập niên, tạo ra một thành phố quốc tế. Để thực hiện công nghiệp hóa, kế hoạch mở rộng Sydney nhanh chóng được thực hiện và dân số cũng tăng nhanh.
Về kinh tế, từ nửa sau thế kỷ XIX, Sydney đi lên bằng công nghiệp hàng hải và len, cùng với đó là việc khắc phục những yếu kém trong khả năng canh tác đất đai và việc thiếu hệ thống tiền tệ ổn định. Bước vào những năm 1920, chính quyền thực hiện chính sách bảo hộ để phát triển công nghiệp sản xuất và xây dựng thành công khu trung tâm thương mại đầu tiên của thành phố, đến thập niên 1960 có thêm khu trung tâm thương mại thứ hai. Từ đó, Sydney có “đôi cánh” chủ lực là tài chính và du lịch.
Đón bắt sớm xu hướng phát triển mới của thế giới, bước vào thập niên 1980, Sydney đã nhanh chóng phát triển lĩnh vực dịch vụ và thông tin, xây dựng thành phố công nghệ, sáng tạo. Đặc biệt là ngành công nghiệp sáng tạo của Sydney bao trùm nhiều lĩnh vực: Quảng cáo và marketing, thiết kế, kiến trúc, video, dịch vụ máy tính, game, phim ảnh - truyền hình, văn học, xuất bản, bảo tàng, thư viện, âm nhạc, thể thao, nghề thủ công. Công nghiệp sáng tạo là ngành phát triển chính của nền kinh tế Sydney, giá trị năm 2019 ước tính khoảng 30 tỷ AUD, chiếm trên 10% sản lượng kinh tế của thành phố.
Bên cạnh đó, dịch vụ tài chính và dịch vụ bảo hiểm phát triển tốt, chiếm 18,1% tổng sản phẩm (năm 2019 đạt 461 tỷ AUD, lớn nhất Australia). Sydney không chỉ trở thành trung tâm tài chính và thương mại lớn nhất Australia mà còn lớn nhất châu Đại Dương và là một trung tâm tài chính lớn ở châu á. Tại Sydney có trụ sở của gần 500 công ty đa quốc gia, của Ngân hàng Trung ương Australia và 90 ngân hàng khác... Đây cũng là tâm điểm của thị trường chứng khoán Australia. Sự xuất hiện của nhiều phòng thí nghiệm y khoa và trung tâm nghiên cứu khoa học, báo hiệu bước chuyển toàn diện của thành phố. Sydney hiện nằm trong top 10 thế giới về “Chỉ số sức mạnh kinh tế toàn cầu”.
“Tiếp sức” cho nền kinh tế thành phố là ngành du lịch vì Sydney thực sự là “mỏ vàng” nhờ cảnh quan và các công trình kiến trúc tuyệt mỹ, hằng năm thu hút trên 10 triệu du khách, trong đó có trên 3 triệu khách quốc tế. Trung bình mỗi ngày ngành du lịch thu về 36 triệu AUD, con số mơ ước đối với nhiều thành phố. Một kênh “in” tiền nữa của Sydney là giáo dục chuyên nghiệp do có một số trường đại học nổi tiếng, mỗi năm đóng góp cho thành phố 1,6 tỷ AUD từ việc đào tạo trên 100.000 sinh viên quốc tế theo học chuyên ngành, học nghề và tiếng Anh.
Sydney từ lâu đã tạo dựng được thương hiệu thành phố xếp hạng cao nhất dành cho sinh viên quốc tế. Còn giáo dục phổ thông của Sydney là hệ thống trường công đạt chuẩn ở cả 4 khu vực giáo dục gồm mẫu giáo, tiểu học, trung học và các trường đặc biệt. Các trường tư và trường dòng cũng được tạo điều kiện hoạt động tốt nhất, đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều đối tượng. Điểm nổi bật là các chương trình đào tạo đều được thiết kế dựa trên nhu cầu thực tế của xã hội.
Trong quá trình phát triển theo hướng bền vững, Sydney đã và đang nỗ lực khắc phục một số vấn đề nảy sinh từ dòng người di cư vẫn đến đông đúc nhưng lại có xu hướng ít lập gia đình (15,7% là gia đình độc thân), không sinh con (33,5% cặp vợ chồng). Tất cả phục vụ mục tiêu duy trì vị trí dẫn đầu trong bối cảnh thành phố Melbourne đang cạnh tranh mạnh mẽ - sự cạnh tranh lành mạnh đem lại cái lợi cho mỗi thành phố và cả quốc gia.
Giáo sư Ed Glaeser, Trường Đại học Harvard (Mỹ), học giả hàng đầu về kinh tế đô thị, nhận định: Sydney là minh chứng cho những phát minh vĩ đại nhất của loài người, thể hiện qua 2 vấn đề chính là: Việc làm cho các chuyên gia trẻ tuổi và môi trường giải trí. Trong thời đại thị trường toàn cầu hóa và công nghệ thông tin, nơi đây mở ra một thế giới mới của công việc từ xa, biến thành phố thành “cỗ máy sáng tạo”, mọi người được kết nối, làm việc cùng nhau và học hỏi lẫn nhau, tạo ra nhiều ý tưởng mới có giá trị và mang lại lợi nhuận ngày càng cao. Xong việc, họ bước ra “thành phố tiêu dùng”, sử dụng hữu ích thời gian còn lại và “mở ví” để giải trí, để nuôi dưỡng một hệ sinh thái đang phát triển, tạo nên “thành phố của những điều tuyệt vời nhất”.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.